Ngôi nhà cổ trăm cột ở Việt Nam làm từ toàn gỗ quý, dòng họ danh gia vọng tộc xây 5 năm mới hoàn thành, được công nhận là Di sản cấp Quốc gia
Ai nấy không khỏi ngạc nhiên, thích thú khi được tận mắt ngắm nhìn, tận tay sờ vào những cây cột gỗ của ngôi nhà cổ.
Ngôi nhà trăm cột
Theo Báo Long An đưa tin, nhà trăm cột thuộc xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An là một trong những địa chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Ai nấy không khỏi ngạc nhiên, thích thú khi được tận mắt ngắm nhìn, tận tay sờ vào những cây cột gỗ của ngôi nhà cổ .
Bà Trần Thị Ngỏ - chủ nhà cho biết ngôi nhà được ông nội bà xây, chạm khắc tinh xảo, tỉ mỉ. Theo một số thông tin kể lại, ông Trần Văn Hoa là người giàu có nổi tiếng của Long An. Ông sở hữu gần như toàn bộ ruộng đất của xứ Long Hựu để trồng lúa, cho thuê. Thời điểm Nam Kỳ còn nghèo khó, đi lại chủ yếu là ghe thuyền hoặc xe ngựa, thì ông Trần Văn Hoa đã bận com lê, cà vạt, đi giày Tây, đi xe hơi sang trọng của Pháp.
Khoảng năm 1890, ông tự tìm đến Huế, thuê một đội thợ giỏi khoảng 15 người về Long An làm nhà. Ông cũng đi khắp nơi tìm mua gỗ quý  như cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật, căm xe… để về làm nhà.
Sau 2 năm xây dựng, 3 năm chạm trổ, ngôi nhà chính thức hoàn thiện. Gọi là nhà trăm cột nhưng chính thức phải có đến 120 cột, gồm 68 cột chính (tròn) và 52 cột phụ (vuông) vô cùng vững chãi.
Kiến trúc đặc biệt
Không chỉ thu hút với tên gọi nhà Trăm Cột, ngôi nhà cổ còn hấp dẫn bởi kiến trúc đặc biệt, theo lối nhà rường của Huế. Nhìn trên bình đồ, nhà có hình chữ Công, kết cấu nhà rường (xuyên trính) 3 gian, 2 chái. Nhà có tổng diện tích lên đến 900m2, gồm nhà chính 3 gian, 2 chái (thượng và hạ), lợp ngói âm dương theo đúng kiểu truyền thống.
Các chi tiết chạm khắc của ngôi nhà vô cùng tinh tế, tỉ mỉ, sáng tạo và có sự kết hợp giữa phong cách Huế, Nam bộ và mỹ thuật phương Tây. Bên cạnh những hình trái cây nổi tiếng, đặc trưng của miền Tây như mãng cầu xiêm, măng cụt... là các hình chạm khắc mang văn hóa phương Tây. Để thực hiện được các hoa văn trên, nhóm thợ phải bắc thang chạm trực tiếp trên gỗ. Đồng thời còn có "tứ linh hội tụ" (long, lân, quy, phụng) và "tứ quý danh hoa" (mai, lan, cúc, trúc); có hoa sen, lá sen, búp sen...
Trải qua hàng trăm năm với sự tàn phá của thời gian, chiến tranh, nhưng ngôi nhà cổ vẫn vững chãi theo năm tháng. Ngôi nhà trầm mặc, vượt qua thiên tai, mưa bom bão đạn để bảo vệ cho chủ nhân. Đặc biệt, hàng cột gỗ sau bao năm đã “lên nước”, trơn bóng như một cách thể hiện những thăng trầm đã vượt qua.
Nền nhà lót bằng gạch tàu lục giác vẫn vẹn nguyên như cũ. Năm 1997, nhà trăm cột được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử  - Văn hóa cấp Quốc gia.
Ngôi nhà đã được trùng tu 1 lần bằng Ngân sách Nhà nước. Hiện tại, gia đình ngăn ngừa mối mọt để bảo quản nhà được tốt nhất.
Hiện nay, nhà trăm cột cù lao Long Hựu là di tích có vị trí quan trọng trong bản đồ quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Long An. Không chỉ là một công trình ấn tượng về cả chất liệu và đường nét chi tiết, nơi đây còn có không gian tràn ngập cây xanh, mát mẻ mang đến cho du khách sự yên bình.
Theo chủ nhà chia sẻ, ngôi nhà trăm cột cũng được nhiều đoàn làm phim chọn làm bối cảnh như “Đoạn trường Nam ai”, “Tiếng sét trong mưa”…