Ngôi nhà cổ làm hoàn toàn bằng gỗ: Đã gần 200 năm tuổi, có 36 cột chống, vị trí phong thủy tuyệt đẹp
Đây là một trong những ngôi nhà cổ được nhiều người tới tham quan, chiêm ngưỡng.
Những ngôi nhà  làm từ gỗ quý hiếm, mang nét đẹp cổ kính, luôn thu hút sự chú ý của nhiều người. Đối với gia chủ, chúng không chỉ đơn thuần là nơi sinh sống mà còn là "báu vật" cần được giữ gìn và bảo vệ. Một trong những công trình gây dấu ấn mạnh mẽ tại Việt Nam chính là nhà cổ Đồng Viết Mão (ở làng Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam).
Đây được coi như một trong những bảo vật kiến trúc quý hiếm còn sót lại. Với tuổi đời gần 200 năm, ngôi nhà bằng gỗ mít không chỉ là nơi lưu giữ những dấu tích của thời gian mà còn là minh chứng sinh động cho tài năng của các nghệ nhân xưa. Theo nhiều nguồn tin, căn nhà gỗ cổ điển này được xây dựng từ năm 1850 nhờ bàn tay tài hoa của nhiều người thợ lành nghề.
Khuôn viên có hai căn nhà cổ, xây dựng theo lối kiến trúc xưa nhưng vẫn vô cùng bắt mắt. Ông Đồng Viết Mão, chủ nhân ngôi nhà, cho biết cả hai công trình kiến trúc độc đáo này đều do đội thợ nổi tiếng Văn Hà tại Phú Ninh đảm nhiệm. Ngôi nhà dưới được xây dựng cách đây gần hai thế kỷ bởi cụ Nguyễn Đình Hoằng, gây ấn tượng mạnh với hệ thống 36 cột gỗ chắc chắn, thể hiện kỹ thuật xây dựng tinh xảo của người xưa. Trong khi đó, ngôi nhà trên hiện đang được sử dụng để thờ cúng cũng có tuổi đời gần 100 năm tuổi.
Ngôi nhà cổ không chỉ sở hữu kiến trúc  tinh xảo mà còn được xây dựng trên một vị trí phong thủy tuyệt đẹp. Với thế tựa núi Hòn Ngang, dựa lưng vào Gò Tròn và trước mặt là Vũng Trâu Lội tụ thủy, "báu vật" này như một bức tranh phong thủy hoàn hảo.
Căn nhà được thiết kế vô cùng vững chãi, thoáng mát, chủ nhân tận hưởng không khí mát mẻ quanh năm. Khi bước tới căn nhà cổ Đồng Viết Mão tham quan, không ít du khách bất ngờ với khuôn viên xanh mát, bầu không khí dễ chịu. Ngôi nhà cổ đã được truyền lại qua bốn thế hệ, trở thành một minh chứng sống động cho giá trị văn hóa truyền thống. Gia chủ từng tâm sự rằng có nhiều người giàu ngỏ ý muốn mua lại căn nhà với giá trị cao. Tuy nhiên, ông Đồng Viết Mão và các con cháu nhất quyết không bán. Đối với ông, đây là một "báu vật" truyền đời nên dù được hỏi mua với bất cứ giá nào ông vẫn gìn giữ cho thế hệ sau.
Với quyết định công nhận di tích cấp tỉnh, ngôi nhà đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách muốn khám phá vẻ đẹp cổ kính và tìm hiểu về lịch sử của vùng đất này.
>> Cận cảnh căn biệt phủ 1.700m2 toàn gỗ quý cùng dàn cây cảnh tiền tỷ, mất 4 năm mới hoàn thiện