Ngọn núi bất ngờ xuất hiện luồng khí khổng lồ cao 4km, chính quyền liên tục phát cảnh báo, sơ tán khẩn cấp 87.000 người
Trước khi sự việc này diễn ra, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận 6 trận động đất núi lửa và một đợt phun tro bụi kéo dài 16 phút.
Ngày 9/12 vừa qua, một ngọn núi lửa ở miền Trung Philippines  đã phun trào, tạo ra một cột tro khổng lồ bốc cao trên bầu trời, khiến chính quyền phải ra lệnh sơ tán các ngôi làng xung quanh.
Kanlaon nằm trên đảo Negros và cao hơn 2.438m so với mực nước biển, là một trong 24 núi lửa đang hoạt động tại Philippines. Vào chiều thứ Hai, một vụ phun trào kéo dài gần 4 phút đã tạo ra cột tro cao hơn 4km và phun trào khí nóng, tro, cùng các mảnh đá núi lửa về phía sườn đông nam của núi, cách miệng núi khoảng hơn 3km, theo thông tin từ các quan chức tại một cuộc họp báo. Họ cảnh báo có thể xảy ra thêm các vụ phun trào  mạnh hơn trong thời gian tới.

"Bị dòng chảy pyroclastic đè lên giống như bị một phương tiện tốc độ cao cán qua," bà Maria Antonia Bornas, trưởng bộ phận giám sát núi lửa của Viện Núi lửa và Địa chấn Philippines, cho biết. "Nếu tro núi lửa xâm nhập vào phổi, nó sẽ gây ngạt thở," bà nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi chính quyền địa phương sơ tán người dân tại 15 ngôi làng trong bán kính 6km từ miệng núi.
Tro từ vụ phun trào đã rơi xuống nhiều thị trấn và thành phố gần núi lửa, nhưng chưa có báo cáo nào về thương vong hoặc thiệt hại ngay lập tức. Bà Bornas cũng cảnh báo rằng mưa lớn có thể làm trôi các trầm tích núi lửa mới hình thành, gây nguy cơ chôn vùi các cộng đồng phía dưới.
Tại thị trấn La Castellana, nằm ở sườn tây nam của núi lửa, việc sơ tán đang diễn ra tại bốn ngôi làng vùng cao, theo thông tin từ Thượng sĩ Cảnh sát Ronel Arevalo. Ông cho biết chưa có số liệu chính xác về số cư dân cần sơ tán. Chính phủ Philippines cũng thông báo trên trang thông tin chính thức rằng "một chiến dịch sơ tán khẩn cấp đang được tiến hành, ảnh hưởng đến khoảng 87.000 cư dân" trong khu vực xung quanh núi lửa .
Cư dân Dianne Paula Abendan, 24 tuổi, đã dùng điện thoại di động để quay lại hình ảnh cột khói khổng lồ màu xám có hình dạng như súp lơ bốc lên từ miệng núi. "Mấy ngày qua, chúng tôi đã thấy khói đen bốc ra từ núi lửa. Chúng tôi đã đoán rằng nó sẽ phun trào vào bất kỳ lúc nào trong tuần này," cô chia sẻ qua điện thoại. Abendan cho biết người dân đã vội vàng trở về nhà để chờ lệnh sơ tán, nhưng hoạt động của núi lửa dường như đã giảm bớt một chút khoảng một giờ sau đó.
Giới chức cho biết các chuyến bay đến và đi từ sân bay quốc tế Bacolod-Silay, gần núi lửa nhất, vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, các hãng hàng không đã được cảnh báo không bay dưới độ cao 10.000 feet gần núi lửa. "Các nhà khai thác chuyến bay được khuyến cáo tránh bay gần núi lửa do nguy cơ từ các vụ phun trào hơi nước hoặc magma bất ngờ", theo một thông báo từ Cơ quan Hàng không Dân dụng Philippines.
Vào tháng 9, hàng trăm cư dân gần núi lửa đã phải sơ tán khi Kanlaon phun ra hàng ngàn tấn khí độc trong một ngày. Theo cơ quan địa chấn, núi lửa này đã phun trào hơn 40 lần kể từ năm 1866. Năm 1996, ba người leo núi đã thiệt mạng do vụ phun tro của Kanlaon.
Dịch: CBS News