Ngọn núi đá hơn 10m cao nhất TP HCM nhưng thấp nhất Việt Nam: Nằm ở một ấp đảo xa xôi, được hình thành từ loại đá có nguồn gốc núi lửa
Ít ai biết rằng ở TP HCM có một ấp đảo xa xôi, đi lại bằng thuyền ghe và chính ở đây lại có một ngọn núi đá độc đáo.
Thiềng Liềng là ấp đảo nằm cách trung tâm xã Thạnh An, huyện Cần Giờ  (TP HCM) khoảng 7km, giao thông đi lại bằng đường thủy. Bước chân lên đảo, du khách sẽ cảm nhận được không khí yên bình, dễ chịu của vùng đất còn nhiều hoang sơ. Hiện nay, ấp Thiềng Liềng có khoảng 211 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề làm muối, đánh bắt thủy hải sản và nuôi hàu ở cửa sông.
Cả ấp Thiềng Liềng chỉ có một đường độc đạo hình oval dài 4km uốn quanh ruộng muối, sông, rạch và rừng ngập mặn. Thiềng Liềng chưa chịu nhiều tác động nên vẫn giữ cho mình sự mộc mạc, nét tự nhiên không phải miền biển nào cũng có. Ở đây, ngoài cánh rừng ngập mặn bao bọc xung quanh với hệ sinh thái vô cùng phong phú, còn có núi Giồng Chùa. Với chiều cao chỉ hơn 10m, đây được xem là ngọn núi đá  tự nhiên duy nhất của TP HCM và nếu xét rộng hơn thì có lẽ là ngọn núi thấp nhất cả nước.
Nhưng tại sao giữa vùng sông nước, bao la cây rừng ngập mặn  đước, mắm, bần... và những ruộng muối lại nổi lên một khối đá như thế? Giữa màu xanh bao la của cây rừng, một khối đá có lẽ được hình thành từ thời khai thiên lập địa, khi nước phủ kín tứ bề, trên đá chi chít những đường ngang dọc như được cắt bởi dòng nước từ bao đời. Trên núi đá có dấu vết của nghiên cứu địa chất và theo các tài liệu thì đây là một khối đá andesit loại macma nguồn gốc núi lửa.
Dưới chân núi về phía tây bắc có hai cây me lớn. Dưới gốc cây có một nền miếu được người dân đặt vài bát hương thờ cúng. Trung tâm núi Giồng Chùa là nơi tiếp giáp của nhiều điểm, bao gồm ngọn Cá Nhám, Tắc Bài, sông Gò Gia.
Trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, Giồng Chùa là nơi luân chuyển con người, vũ khí và phương tiện của tàu không số từ miền Bắc vào. Lực lượng vận tải chiến lược của căn cứ Rừng Sác đã tiếp nhận hàng hóa và giao lại cho lực lượng cấp trên. Năm 1974, chuyến tàu không số chuyển chuyến hàng cuối cùng cho nhân dân miền Nam. Sau đó, khâu tiếp tế đã ngưng hoàn toàn tại ngọn núi Giồng Chùa.
Sở hữu nét mộc mạc, bình yên giữa cánh đồng muối bạt ngàn, trắng xóa cùng sự nồng hậu, chất phác của người dân bản địa, đảo Thiềng Liềng đang có những tiềm năng du lịch độc đáo mà thiên nhiên ban tặng. Nhưng cái tên Thiềng Liềng mãi đến vài năm gần đây mới dần xuất hiện nhiều, hình thức du lịch cộng đồng trên đảo cũng bắt đầu đi vào bài bản với 20 thành viên, trong đó có 16 hộ gia đình tham gia với các nhóm sản phẩm dịch vụ như trải nghiệm, ẩm thực, lưu trú, văn hóa nghệ thuật địa phương phục vụ du khách.
Điểm du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng đã ra mắt vào cuối năm 2022 với đặc sản “3 không”: không khói bụi, không bến xe, không tệ nạn. Theo đó, ở giai đoạn 1, điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng có 16 điểm đến với các sản phẩm du lịch mang đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn và văn hóa của người dân vùng biển như: ẩm thực và thức uống vùng biển, không gian nghề muối, không gian hoài niệm, homestay, đờn ca tài tử, ngâm chân thư giãn... Tất cả các sản phẩm du lịch này do chính các hộ dân và cư dân đang sinh sống tại ấp đảo Thiềng Liềng thực hiện.
Các điểm đến này được hình thành dựa trên các yếu tố bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên và đặc điểm của từng hộ gia đình nhằm tăng thu nhập, giải quyết việc làm và nâng cao dân trí của cộng đồng, thông qua đó góp phần bảo vệ biên giới biển đảo của thành phố.
Thiềng Liềng là một điểm đến thú vị và phù hợp với những người yêu thích thiên nhiên. Thế nhưng, để đến được đây cũng không hề dễ dàng do phương tiện có chi phí khá cao. Nếu tiết kiệm chi phí (nhưng mất nhiều thời gian), bạn đến thị trấn Cần Thạnh (cách trung tâm Sài Gòn khoảng 70km), ra bến đò mua vé tàu qua đảo Thạnh An (14km, đi tàu mất 45 phút) rồi đi tiếp một chuyến tàu nữa (6km) mới đến Thiềng Liềng. Đi cano hay vỏ lãi rút ngắn được 20km đường bộ và 10km đường thủy.