Người dân Đồng Tháp "sống khổ" vì bụi và khí thải từ nhà máy xay xát lúa gạo
Một nhà máy xay xát lúa gạo tại xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) xả bụi, khí thải trực tiếp ra môi trường và phát ra tiếng ồn khá lớn gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục hộ dân ở khu vực lân cận trong suốt nhiều năm qua.
Người dân tại ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông (thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) phải thường xuyên lau dọn nhà cửa vì quá nhiều bụi bẩn. |
Quá trình tìm hiểu thực tế cho thấy, đây là Nhà máy xay xát Thanh Hải đang hoạt động 2 lĩnh vực là sấy lúa và xay lúa nên phát sinh rất nhiều bụi. Phía bên kia con kênh Cái Bè, đối diện nhà máy, nhiều ngôi nhà của người dân thường xuyên phải đóng cửa, treo màn chắn phủ kín lối đi nhằm hạn chế bụi vào trong nhà.
Ông Nguyễn Văn Phước, ở ấp Đông Quới, xã Tân Khánh Đông cho biết, khoảng 8 năm qua, kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động, ngôi nhà của ông luôn phải đóng kín cửa, nhưng phía trong nhà, đồ vật vẫn thường xuyên bị bám một lớp bụi mịn. Ông Phước cho rằng, do sống trong môi trường ô nhiễm không khí , hít bụi từ nhà máy bay qua nên đứa cháu nội 8 tuổi của ông thường xuyên bị bệnh liên quan tới đường hô hấp.
Người dân rất bức xúc vì nhà máy xay xát lúa gạo Thanh Hải hoạt động gây ô nhiễm không khí suốt nhiều năm qua. |
Gia đình anh Lê Nhựt Tân, ngụ ấp Đông Quới, xã Tân Khánh Đông còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn gia đình ông Phước, bởi ngôi nhà của anh Tân nằm đối diện với nhà máy, chỉ cách con kênh rộng hơn 30m. Vì vậy, ngoài hứng chịu nhiều bụi từ nhà máy bay sang, gia đình anh còn thường xuyên chịu tiếng ồn phát ra từ máy móc, thiết bị.
Anh Tân cho hay, kể từ khi nhà máy hoạt động, cuộc sống gia đình anh và nhiều hộ dân ở lân cận bị đảo lộn. Khoảng 8 năm trước, cuộc sống ở đây thoải mái, không khí rất trong lành. Còn bây giờ, người dân phải sống trong cảnh vừa bị ô nhiễm bụi bẩn, vừa bị ô nhiễm tiếng ồn. Sức khỏe của anh và người thân trong gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều. Con của anh Tân mới 2 tuổi nên phải gửi về ngoại để tránh bụi bẩn.
Tất cả 9 “cửa trời” thông gió trên phần mái của Nhà máy xay xát lúa gạo Thanh Hải đều được mở khiến bụi dễ dàng bay ra ngoài. |
Việc hoạt động nhà máy đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thiệt hại về kinh tế và môi trường sống đối với những hộ dân xung quanh. Gần nhà máy, những khu vườn trồng hoa kiểng, nhiều loại cây ăn quả như mít, xoài… bị bám đầy bụi, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cũng như năng suất quả. Từ trên cao nhìn xuống, cây cối bị phủ màu xám của bụi.
Bên cạnh đó, nhiều người dân địa phương bức xúc cho rằng, bề rộng của kênh Cái Bè khá nhỏ, khi đến giao nhận hàng hóa tại nhà máy, nhiều phương tiện thủy trọng tải lớn di chuyển, quay trở là một trong những nguyên nhân làm sạt lở bờ sông và đê bao phía ấp Đông Quới. Cũng có lúc, nhiều sà lan lớn neo đậu thành hàng 2, hàng 3, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy.
Vườn cây gần nhà máy bị phủ màu xám của bụi. |
Theo nhiều người dân ấp Đông Quới, nhà máy hoạt động gần như cả ngày, không kể giờ giấc, bụi bay khắp nhà dân xung quanh, bám đầy giường chiếu, quần áo, bàn ghế... không khí lẫn bụi rất ngột ngạt, bám vào cơ thể gây ngứa ngáy, khó ngủ. Trước phản ứng của người dân, phía nhà máy đã có động thái dùng tấm lưới che chắn bụi, nhưng người dân cho rằng, đây là giải pháp mang tính đối phó, không mang lại hiệu quả.
Gần đây, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Sa Đéc đã phối hợp với UBND xã Tân Khánh Đông tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động của nhà máy. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Sa Đéc, nhà máy có tổng diện tích 5.000 m2 với công suất 150 tấn thành phẩm/ngày. Hiện, nhà máy đã có che chắn nhưng chưa thật sự kín đáo, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường.
Bụi được lau dọn, thu gom trên một chiếc bàn của một gia đình tại ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông (thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). |
Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Sa Đéc Nguyễn Thanh Hải cho biết, Phòng đã hướng dẫn, yêu cầu nhà máy khẩn trương khắc phục những thiếu sót, hạn chế và việc làm này phải hoàn thành vào cuối tháng 2/2024. Nếu hết thời hạn này mà nhà máy không chấp hành, việc khắc phục chưa tốt, còn gây ô nhiễm môi trường, Phòng sẽ căn cứ theo quy định của phát luật để xử lý.
Tuy đã đóng cửa, che chắn nhưng cũng không ngăn được bụi vào nhà, bám đầy giường chiếu, quần áo, bàn ghế. |
Trước đây, vào tháng 2/2020, một số người dân ấp Đông Quới đã có đơn gửi đến UBND các cấp và ngành chức năng để phản ánh tình trạng gây ô nhiễm của nhà máy này. Nhà máy hứa hẹn khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện tốt, vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
Người dân ở ấp Đông Quới mong muốn nhà máy cần tích cực thực hiện những giải pháp hiệu quả hơn nhằm hạn chế bụi bẩn phát tán, giảm ô nhiễm môi trường đến mức thấp nhất có thể, hạn chế ảnh hưởng sức khỏe và gây xáo trộn cuộc sống người dân sống xung quanh./.
Một số khu vực của Hà Nội có chất lượng không khí ở mức nguy hiểm