Người lính cụ Hồ từng nhờ đồng đội chặt đứt tay để phá đồn địch, trở thành anh hùng duy nhất Việt Nam được lấy tên đặt tên đường khi còn sống
Ông được xem là biểu tượng sáng ngời trong trái tim bao thế hệ Việt Nam, minh chứng hào hùng cho sự hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì độc lập dân tộc.
Lá cờ đầu trong phong trào giết giặc lập công
Đại tá La Văn Cầu sinh năm 1932 tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Ông được biết đến là một nhân vật lịch sử gắn liền với những chiến công trong kháng chiến chống thực dân Pháp .
Trong cuộc trò chuyện với PV Báo Cao Bằng, ông chia sẻ rằng mình vốn họ Sầm. Tuy nhiên, cha ông trong quá trình đi phu làm việc cho thực dân Pháp đã qua đời vì bệnh tật do sự bóc lột khắc nghiệt. Mẹ ông phải một mình gánh vác gia đình, sau đó tái hôn với một người họ Lã. Theo phong tục, ông mang họ của cha dượng. Khi nhập ngũ, do sai sót trong ghi chép, họ “Lã” được viết thành “La”, từ đó ông có tên là La Văn Cầu.
Người cha dượng của ông cũng qua đời vì bệnh tật do sự chèn ép và áp bức của thực dân. Những biến cố gia đình và nỗi hận đối với kẻ thù đã hun đúc trong ông ý chí chiến đấu. Năm 16 tuổi, dù là con trai duy nhất trong gia đình nhưng ông vẫn quyết tâm xung phong nhập ngũ. Mẹ ông ủng hộ quyết định này vì tin rằng chỉ có độc lập mới mang lại tự do và hạnh phúc.
Sau khi nhập ngũ, ông tham gia nhiều trận đánh quan trọng, trong đó trận cứ điểm Đông Khê năm 1950 là ký ức sâu đậm nhất. Nhắc về trận đánh này, ông kể: “Trận đánh Đông Khê là một phần của Chiến dịch Biên giới 1950. Đây là chiến dịch vô cùng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Lần đó, đích thân Bác Hồ ra trận địa để động viên, chỉ đạo chiến đấu. Khoảng 6h ngày 16/9/1950, những loạt đạn, pháo vang rền mở màn cho trận Đông Khê bắt đầu. Cả ngày 16/9, phía ta và địch giằng co nhau quyết liệt. Sau nhiều thương vong, quân ta chỉ mới chiếm được 1/3 trận địa”.
Được giao nhiệm vụ phá lô cốt và mở đường vào cứ điểm, tổ bộc phá của ông bắt đầu hành động ngày 17/9. Việc tiếp cận lô cốt, mang bộc phá trong làn đạn dày đặc là thử thách cam go. Đến khoảng 10 giờ đêm, ông nhận lệnh đánh vào “lô cốt mẹ” – mục tiêu quan trọng nhất. Khi đang chuẩn bị bộc phá, ông bị trúng đạn, ngất lịm. Tỉnh dậy trong tình trạng đau đớn với cổ tay phải bị giập nát và một bên má bị thương, ông vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
“Tôi quờ tay tìm quả bộc phá rồi ôm chặt nó trườn lên phía trước. Nhưng khó quá vì cánh tay phải lủng lẳng vướng víu. Lúc đó, tôi đã nhờ Tiểu đội trưởng Nông Văn Thêu chặt giúp cánh tay bị thương. Tôi phải ngậm gạc băng trong miệng vì sợ đau quá mà cắn lưỡi. Người Tiểu đội trưởng hiểu được ý chí của tôi nên đã cầm lưỡi kiếm Nhật chặt phăng cổ tay phải bị gãy của tôi rồi băng bó lại. Sau đó, một mình tôi ôm quả bộc phá 12kg bằng tay trái, leo dốc, áp vào lô cốt giặc, dùng hết sức giật cả hai kíp ném vào lô cốt rồi quay người lăn xuống dốc. Do lăn xuống dưới bị va đập quá mạnh nên tôi lại bị ngất”, ông La Văn Cầu  kể lại.
Khi tỉnh lại, ông nghe tiếng hô xung phong của đồng đội và nhận ra mình còn sống. Tại Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ nhất vào tháng 5/1952, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương ông là một trong những “Lá cờ đầu trong phong trào giết giặc lập công”.
Sống bình dị, kiên cường giữa cuộc sống thường nhật
Sau trận Đông Khê, nhìn cánh tay phải bị tháo khớp đến bả vai, ông từng có lúc hoang mang. Tuy nhiên, những phút bi quan ấy chỉ thoáng qua, không đủ để làm ông mất phương hướng. Ông nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới, quyết tâm biến tay trái trở thành tay phải. Chỉ sau ba tháng kiên trì luyện tập, ông đã sử dụng tay trái thuần thục như tay phải, kể cả trong những việc khó khăn như bắn súng.
Với tinh thần ấy, ông tập trung học văn hóa và chính trị, tiếp tục ở lại quân đội với công việc tuyên huấn, chuyên trách công tác thanh niên. Năm 1952, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ Nhất, La Văn Cầu được vinh danh là một trong bảy chiến sĩ đầu tiên được phong danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân". Với những thành tích đặc biệt, ông vinh dự được gặp và ăn cơm cùng Bác Hồ. Sau đó, ông được giao công tác tại Phòng Tổ chức quân khu I, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam  và tiếp tục phục vụ đến khi nghỉ hưu vào tháng 8 năm 1996.
Hiện nay, ở tuổi ngoài 90, Đại tá La Văn Cầu sống cuộc đời giản dị bên người vợ hiền hậu. Những ngày khỏe mạnh, ông vẫn tự tay tưới cây, quét nhà, đọc báo, xem thời sự và trò chuyện cùng người bạn đời.
Cuộc đời của Anh hùng La Văn Cầu được ghi lại trong sách giáo khoa tiểu học tại Việt Nam. Tên ông được đặt cho nhiều trường học, con đường tại Hà Nội, Vũng Tàu, Nam Định và một khu phố ở thị trấn Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông là anh hùng duy nhất tại Việt Nam và là người hiếm hoi trên thế giới khi đang còn sống đã được đặt tên đường. Năm 2019, ông được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú tại Hội nghị Biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu.
Anh hùng La Văn Cầu là biểu tượng sáng ngời trong trái tim bao thế hệ Việt Nam, minh chứng hào hùng cho sự hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì độc lập dân tộc. Phẩm chất kiên cường, tự lực của ông đại diện cho tinh thần bộ đội Cụ Hồ từ thời chiến đến thời bình, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Nguồn: Tổng hợp