Thế giới

Người Mỹ ráo riết tháo chạy sang châu Âu, chuyện gì đang xảy ra?

Thanh Lê 05/05/2025 - 16:48

Một bộ phận người Mỹ đang lên kế hoạch rời khỏi đất nước sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ 2, Doris Davis và Susie Bartlett – một cặp đôi đồng tính khác chủng tộc sống tại New York – đã đưa ra quyết định thay đổi cuộc đời: nếu ông Trump thắng, họ sẽ rời nước Mỹ.

Davis (69 tuổi), một chuyên gia tư vấn giáo dục, chia sẻ: “Chúng tôi yêu đất nước này, nhưng không yêu những gì nó đã trở thành. Khi danh tính của bạn bị tấn công, đó là một cảm giác giận dữ và bất lực”.

Cặp đôi cho biết ban đầu họ vẫn sẵn sàng cho ông Trump một cơ hội trong nhiệm kỳ đầu, nhưng theo thời gian, họ ngày càng lo lắng khi ông đảo ngược nhiều chính sách bảo vệ bình đẳng sắc tộc và quyền LGBTQ+.

Hiện họ đang làm việc với một luật sư di trú để xem xét cơ hội định cư tại châu Âu – với lựa chọn ưu tiên là Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha thông qua visa hưu trí hoặc làm việc từ xa. Bartlett (52 tuổi) đã nghỉ hưu.

“Thật buồn khi phải rời đi", Davis nói. “Nhưng tình hình chính trị và xã hội hiện tại là điều không thể chấp nhận được".

Người Mỹ ráo riết tháo chạy sang châu Âu, chuyện gì đang xảy ra? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Xu hướng rời Mỹ dâng cao

Dữ liệu từ các cơ quan thị thực và phỏng vấn của Reuters với tám công ty hỗ trợ di trú cho thấy số lượng người Mỹ cân nhắc rời đất nước đang gia tăng sau khi ông Trump tái đắc cử – dù con số tuyệt đối vẫn nhỏ trong tổng dân số 340 triệu người.

Số đơn xin hộ chiếu Ireland của công dân Mỹ trong hai tháng đầu năm 2025 tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước, theo Bộ Ngoại giao Ireland. Pháp ghi nhận 2.383 đơn xin thị thực dài hạn từ Mỹ trong quý I/2025, tăng so với 1.980 đơn cùng kỳ năm ngoái. Số đơn xin hộ chiếu Anh trong quý cuối năm 2024 đạt mức cao kỷ lục trong vòng hai thập kỷ.

Một số công ty giúp người Mỹ chuyển ra nước ngoài cho biết nhu cầu thường tăng vọt vào các kỳ bầu cử, và đặc biệt mạnh mẽ sau các thay đổi chính trị lớn. Marco Permunian, chuyên gia nhập cư tại Ý, cho biết khi ông Joe Biden thắng cử năm 2020, một số cử tri Cộng hòa cũng từng bày tỏ mong muốn rời Mỹ. Tuy nhiên, sau khi Trump quay lại Nhà Trắng, nhu cầu đã tăng rõ rệt.

“Người ta lo lắng về hướng đi của đất nước”, Thea Duncan, nhà sáng lập công ty hỗ trợ định cư Doing Italy nói. “Họ hỏi tôi gần như mỗi ngày".

Tại Anh, công ty luật Immigration Advice Service cho biết số lượng người Mỹ liên hệ tư vấn tăng hơn 25% so với trước bầu cử. Giám đốc Ono Okeregha cho biết nhiều khách hàng là các cặp đồng tính lo ngại quyền lợi hôn nhân sẽ bị đe dọa, khi nhiều bang xem xét thu hẹp các quyền bảo vệ hiện tại.

Wendy Newman (57 tuổi), nhiếp ảnh gia, đã chuyển đến London cùng chồng từ năm 2022 vì không chịu nổi tình trạng phân cực chính trị tại Mỹ. “Chúng tôi cảm thấy quyền lợi của con gái mình đang bị đe dọa”, bà nói, đề cập đến các chính sách siết chặt quyền phá thai và quan điểm bị cho là “ghét phụ nữ” của ông Trump.

Theo Edison Research, ông Trump chỉ giành được 13% phiếu bầu của cử tri da màu trong cuộc bầu cử vừa qua, chỉ nhỉnh hơn 1 điểm phần trăm so với năm 2020. Trong khi đó, ứng viên Kamala Harris nhận được 86% số phiếu nhóm này.

Blaxit – một nền tảng hỗ trợ người Mỹ gốc Phi định cư nước ngoài – cho biết lưu lượng truy cập trang web tăng hơn 50% sau cuộc bầu cử. Gói thành viên trả phí “Blaxit Global Passport” cũng ghi nhận mức tăng 20%.

Một cặp đôi chuyển giới trẻ tuổi sống tại Colorado (ẩn danh vì lo ngại bị tấn công) đang lên kế hoạch xin visa du học để sang Ý. Cả hai cho biết họ không ảo tưởng về châu Âu – nơi các đảng cực hữu cũng đang lên ngôi – nhưng vẫn cảm thấy “an toàn tương đối” so với Mỹ dưới nhiệm kỳ Trump. Tổng thống Trump trước đó đã tuyên bố chỉ công nhận hai giới tính, cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội và hạn chế quyền chuyển giới cho người dưới 19 tuổi.

Rào cản không nhỏ

Tuy có nhiều mối quan tâm, không phải ai cũng đủ điều kiện hoặc có thể thực sự rời đi. Theo nền tảng Relocate.me, các rào cản lớn bao gồm: khó xin việc tại nước ngoài, hạn chế làm việc từ xa, mức lương thấp hơn tại châu Âu và hệ thống thuế của Mỹ – vốn đánh thuế công dân dựa trên thu nhập toàn cầu.

Dù vậy, những lựa chọn visa như lao động từ xa, hưu trí, du học hay giấy phép lao động vẫn là xu hướng phổ biến. Tại Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, chương trình visa “du mục số” đang được quan tâm mạnh mẽ.

Tuy nhiên, làn sóng người Mỹ đến châu Âu cũng gây ra một số phản ứng trái chiều. Tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, chính phủ đã chấm dứt chương trình “thị thực vàng” – vốn cho phép người nước ngoài giàu có nhập cư thông qua mua bất động sản – do lo ngại làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhà ở.

Rebeca Caballero, đại diện công ty bất động sản Gilmar tại Tây Ban Nha, cho biết chỉ trong nửa năm trước khi chương trình kết thúc, bà đã bán ba căn nhà cho người Mỹ xin visa mà khách “chưa từng đến xem nhà trực tiếp”.

Theo Reuters

>> Ông Trump bất ngờ ‘xuống nước’, tuyên bố sẽ giảm thuế với Trung Quốc

Hàng nghìn người Mỹ biểu tình phản đối ông Trump, tỷ phú Elon Musk

Chiến tranh thương mại kiểu mới: Người Mỹ tự mở cửa đón Taobao, app lạ gây sốt vì mức giá rẻ không tưởng

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nguoi-my-rao-riet-thao-chay-sang-chau-au-chuyen-gi-dang-xay-ra-141708.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Người Mỹ ráo riết tháo chạy sang châu Âu, chuyện gì đang xảy ra?
    POWERED BY ONECMS & INTECH