Người Việt Nam dùng muối i-ốt chỉ 27%, thấp hơn 3 lần khuyến cáo của WHO
Đây thực sự là một vấn đề đáng báo động.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)  và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), thiếu hụt i-ốt ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai. Vì vậy, hai tổ chức này kêu gọi các cơ quan quản lý tăng cường thực thi các quy định về bổ sung vi chất vào thực phẩm.
Người Việt Nam dùng muối i-ốt chỉ 27%
Theo thông tin từ Sức khỏe và Đời sống, Bộ Y tế  cho biết tình trạng thiếu hụt i-ốt đang xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam. Trong đó, toàn bộ người dân ở 6 vùng sinh thái trên toàn quốc, bao gồm cả các tỉnh ven biển Duyên hải miền Trung, đều gặp phải tình trạng này.
Năm 1994, Việt Nam đã tiến hành điều tra dịch tễ học về tình trạng thiếu i-ốt trên quy mô toàn quốc và kết quả cho thấy 94% dân số nằm trong vùng thiếu i-ốt (tình trạng thiếu i-ốt ở Việt Nam mang tính chất toàn quốc, không phân biệt miền núi, thành thị hay vùng đồng bằng, ven biển). Tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em 8-12 tuổi là 22,4% (khuyến nghị của WHO là <5%), mức trung vị i-ốt niệu là 32 mcg/l (khoảng an toàn theo khuyến cáo của WHO là 100-199 mcg/l).
Do tình trạng thiếu i-ốt nghiêm trọng, ngày 8/9/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 481/TTg về việc tổ chức và vận động toàn dân sử dụng muối i-ốt.
5 năm sau, ngày 10/4/1999, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 19/1999/NĐ-CP về việc sản xuất và cung ứng muối i-ốt cho người dân, thay thế Quyết định số 481/TTg. Nghị định này quy định muối dùng cho người ăn, bao gồm cả muối thực phẩm, phải là muối i-ốt. Sau 6 năm triển khai thi hành, Việt Nam đã giải quyết được tình trạng thiếu i-ốt và đạt được các tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2005: tỷ lệ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt ≥90%, mức trung vị i-ốt niệu đạt ≥100 mcg/l, và tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em 8-10 tuổi <>
Tuy nhiên, khi Nghị định số 163/2005/NĐ-CP thay thế Nghị định số 19/1999/NĐ-CP được ban hành, chuyển sang cơ chế quản lý mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt trở thành hoạt động thường xuyên của Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan. Việc sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm không còn là bắt buộc nữa.
Chính vì vậy, theo kết quả đánh giá 9 năm thi hành Nghị định số 163/2005/NĐ-CP, cả nước chưa đến 50% tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (mức khuyến cáo của WHO là tỷ lệ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh phải đạt >90%). Mức trung vị i-ốt niệu là 84 mcg/l, thấp hơn mức an toàn theo khuyến cáo của WHO (100-199 mcg/l).
Tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em 8-10 tuổi trong năm 2014-2015 đã tăng lên 8,3% (điều tra trên quy mô toàn quốc, trên hàng nghìn trẻ). Điều này khẳng định tình trạng thiếu i-ốt không chỉ xảy ra ở miền núi mà còn ở cả các khu vực duyên hải miền Trung (ven biển).
Việt Nam nằm trong nhóm 26 quốc gia còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt
Trước tình trạng thiếu hụt i-ốt nghiêm trọng, ngày 28/01/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
Nhờ có quy định tại Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, năm 2018, Bệnh viện Nội tiết Trung ương điều tra 6 vùng sinh thái trên toàn quốc và kết quả cho thấy mức trung vị i-ốt niệu toàn quốc đã tăng từ 84 mcg/l (2014) lên 97 mcg/l (điều tra trên 2.160 hộ gia đình), mặc dù vẫn dưới mức khuyến cáo của WHO (100-199 mcg/l).
TS.BS Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng cho biết tính heo vùng sinh thái, chỉ có khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đạt mức trung vị i-ốt niệu trên 100 mcg/l. Khu vực khác vẫn còn tình trạng thiếu i-ốt. Cụ thể: Tây Nguyên: 118,5 mcg/l; Đồng bằng sông Hồng: 89 mcg/l; Khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: 95 mcg/l; Khu vực Đông Nam Bộ: 107 mcg/l; Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: 93 mcg/l.
Theo báo cáo năm 2021 của Mạng lưới Toàn cầu về Phòng chống các Rối loạn do thiếu i-ốt, Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm 26 quốc gia còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt.
Kết quả của Tổng điều tra dinh dưỡng  năm 2019-2020 cũng cho thấy, trung vị i-ốt niệu của trẻ em toàn quốc (trên 6 tuổi) là 113,3mcg/l, trẻ em miền núi là 90mcg/l, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là 98,9 mcg/l (mức khuyến cáo của WHO cho các đối tượng này là 100-199mcg/l).
Tương tự, chỉ số này ở phụ nữ mang thai là 85,3mcg/l (mức khuyến cáo của WHO là 150-249mcg/l).
Hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn chỉ chiếm 27%, trong khi khuyến cáo của WHO là phải trên 90%. Đây thực sự là một vấn đề đáng báo động.
* Tổng hợp
>>WHO chính thức cấp phép vaccine phòng đậu mùa khỉ cho thanh, thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi 
WHO chính thức cấp phép vaccine phòng đậu mùa khỉ cho thanh, thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi 
WHO cảnh báo 1 thứ ngọt hơn đường gấp 200 lần dễ 'kích hoạt' tế bào ung thư