Xã hội

Nguồn gốc tên gọi của thành phố gần 5.000km2 rộng nhất Việt Nam, là đô thị có nhiều di sản được UNESCO công nhận bậc nhất Đông Nam Á

Thái Hà 22/01/2025 - 23:45

Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh.

Từ ngày 1/1/2025, Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam, sau Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Theo đó, thành phố Huế được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên hơn 4.947km2 và dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Với 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 133 đơn vị hành chính cấp xã, Huế chính thức trở thành thành phố có diện tích lớn nhất Việt Nam.

Đặc biệt, đây là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất của cả nước giáp biên giới, với phía Bắc giáp Quảng Trị, phía Nam giáp Đà Nẵng và Quảng Nam, phía Tây giáp Lào và phía Đông giáp Biển Đông.

Nguồn gốc tên gọi của thành phố gần 5.000km2 rộng nhất Việt Nam, là đô thị có nhiều di sản được UNESCO công nhận bậc nhất Đông Nam Á - ảnh 1
Thành phố Huế từ góc nhìn trên cao. Ảnh: Internet

Tại Lễ công bố Nghị quyết vào tối ngày 29/12/2024, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong lịch sử dựng nước và phát triển, thành phố Huế luôn giữ một vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng; là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông Tây; là một trong những trung tâm lớn về văn hóa, du lịch, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu.

Bên cạnh đó, Huế còn là một cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung và có vị trí trọng điểm về quốc phòng, an ninh của cả nước; là vùng đất văn hiến, văn hóa đặc sắc, là nơi duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có Di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1993 và trở thành thành viên chính thức của mạng lưới di sản quốc tế.

Trong số đó, Quần thể Di tích Cố đô Huế (được công nhận vào năm 1993), Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (năm 2003), Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), Châu bản triều Nguyễn (năm 2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (năm 2016) và Những bản đúc nổi trên Cửu Đỉnh (năm 2024).

Hai di sản chung với các địa phương khác, là di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (năm 2016) và Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (năm 2017).

Nguồn gốc tên gọi của thành phố gần 5.000km2 rộng nhất Việt Nam, là đô thị có nhiều di sản được UNESCO công nhận bậc nhất Đông Nam Á - ảnh 2
Quần thể di tích Cố đô Huế - một trong những di sản UNESCO công nhận. Ảnh: Internet

Những điều này chính là yếu tố, tiêu chuẩn đặc thù của thành phố trực thuộc Trung ương có tính chất "đô thị di sản" đầu tiên của Việt Nam.

Nguồn gốc tên gọi của thành phố Huế

Theo HUSTA - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy trong nhiều văn liệu cổ rằng địa danh "Huế" từng được ký âm là "Hóa". Trong tác phẩm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, được cho là của vua Lê Thánh Tông, có đoạn nhắc đến địa danh này với câu:
"Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an tức, bì hồ tiêu, thau Lào, thóc Huế, thuyền tám tầm chở đã vạy then".

Đến thế kỷ XVII, địa danh "Huế" xuất hiện trong Từ điển Việt - Bồ - Latin của Alexandre de Rhodes (bản in năm 1651): "Hóa, Kẻ Hóa, Thuận Hóa: kinh đô xứ Côsinh mà người Bồ Đào Nha gọi là Sinua. Kẻ Hoế. Cùng một nghĩa".

Cuối thế kỷ XVII, trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, địa danh Huế tiếp tục được đề cập. Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, nhận định: "Nhìn chung, người ta cho rằng Huế là biến âm của Hóa, chí ít cũng có mối quan hệ với chữ Hóa (Thuận Hóa - Hóa Châu - Hóa - Kẻ Hóa - Kẻ Hoế - Huế).

Như vậy, có cơ sở để khẳng định Huế là biến âm từ Hóa trong Thuận Hóa. Địa danh Thuận Hóa được sử dụng qua nhiều thời kỳ, tới thời Lê bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.

Nguồn gốc tên gọi của thành phố gần 5.000km2 rộng nhất Việt Nam, là đô thị có nhiều di sản được UNESCO công nhận bậc nhất Đông Nam Á - ảnh 3
Có cơ sở để khẳng định Huế là biến âm từ Hóa trong Thuận Hóa. Ảnh: Dulichkhampha24

Trong tiếng Việt, sự thay đổi từ “oa” sang “uê” tuy hiếm nhưng không phải không có, chẳng hạn như “hòa nhau” hoặc “huề nhau”.

Ngoài các nguồn gốc trên, một giả thuyết khác được đưa ra bởi một học giả người Chăm, được đề cập trong Từ điển Tiếng Huế của Bùi Minh Đức (năm 2009). Theo giả thuyết này, "Huế" có thể bắt nguồn từ một từ cổ của người Chăm, được phát hiện trong một áng văn bia và phiên âm Latin là "Hue". Trong tiếng Chăm, từ này mang nghĩa "mùi thơm" và được dùng để chỉ một đô thị Champa nằm gần một con sông.

Theo nhận định của Trần Thanh Tâm - Huỳnh Đình Kết, tác giả sách Địa danh thành phố Huế, Huế - xứ Huế là tên gọi dân gian dùng để chỉ một xứ đất, một vùng văn hóa không được minh định địa giới rõ ràng. Cho đến ngày 20/10/1898, vua Thành Thái ban chỉ dụ thành lập "thị xã Huế" thì Huế chính thức trở thành địa danh hành chính có giá trị pháp lý.

>> Công trình triều Nguyễn được in trên tờ tiền 50.000 đồng, là nơi niêm yết văn bản của vua, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới

Chưa đầy 40 ngày nữa, Việt Nam chính thức có thêm thành phố mới

Thành phố trong thành phố đầu tiên của Việt Nam sẽ thành đô thị sáng tạo, dẫn dắt kinh tế trong 15 năm tới

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/nguon-goc-ten-goi-cua-thanh-pho-gan-5000km2-rong-nhat-viet-nam-la-do-thi-co-nhieu-di-san-duoc-unesco-cong-nhan-bac-nhat-dong-nam-a-135348.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nguồn gốc tên gọi của thành phố gần 5.000km2 rộng nhất Việt Nam, là đô thị có nhiều di sản được UNESCO công nhận bậc nhất Đông Nam Á
    POWERED BY ONECMS & INTECH