Nhà đầu tư Nhật Bản "kết" ngành thực phẩm Việt Nam

24-12-2021 16:37|Thảo Đan

Thương vụ mua bán sát nhập giữa nhà đầu tư Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm diễn ra với tần suất cao những năm gần.

Theo ông Tạ Đức Minh – Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, với dân số hơn 125 triệu người, Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm. Những mặt hàng Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu nhiều, gồm: Cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và những sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê… Việt Nam được đánh giá có thế mạnh về những mặt hàng này và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết: Số lượng người dân đến từ các nước châu Á sinh sống và làm việc tại Nhật Bản cũng lên tới 10 triệu người, trong đó người Việt Nam khoảng gần 500.000 người. Do vậy hàng nông thuỷ sản, thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi và có lượng tiêu thụ tốt tại thị trường Nhật bản. Đây chính là điều kiện tốt cho hàng nông thuỷ sản, thực phẩm Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang Nhật Bản trong thời gian tới.

Cũng theo ông Tạ Đức Minh, nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực thực phẩm, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã tham gia đầu tư vào lĩnh vực này thông qua hình thức mua bán, sát nhập (M&A). Đã từng có những thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực này giữa nhà đầu tư Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam, như: Earth Chemical (Nhật Bản) mua 100% cổ phần của Công ty cổ phần Á Mỹ Gia.

“Trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã dẫn các doanh nghiệp của tỉnh Ibaraki về Việt Nam tham gia triển lãm Foodexpo. Nhận thấy cơ hội, doanh nghiệp tỉnh Ibaraki đã đầu tư, đưa công nghệ sản xuất, chế biến, cũng như nhập khẩu nguyên liệu từ Nhật Bản và nước ngoài vào Việt Nam để chế biến”, tham tán Tạ Đức Minh thông tin thêm.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, so với các ngành khác, thực phẩm là lĩnh vực chịu tác động thấp nhất từ đại dịch, bởi đây là sản phẩm thiết yếu, không thể thiếu. Và M&A trong lĩnh vực thực phẩm sôi động bởi thị trường đang tạo ra những điều kiện thuận lợi cho cả phía cung lẫn cầu. Việt Nam có dân số trẻ, thu nhập trung bình ngày càng tăng, tạo ra một thị trường tiêu dùng có mức tăng trưởng tự nhiên ổn định, nhất là ở một số đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Đây là lý do khiến dự báo về các thương vụ M&A trong ngành này sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới.

Thực tế, thực phẩm đang là ngành quan trọng trong cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam khi chỉ chiếm 1% số lượng doanh nghiệp nhưng chiếm tới 20% tỷ trọng xuất khẩu.

thuc-pham.jpg
Ngành thực phẩm nước ta thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản

Ông Vũ Cường - Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết, ngành thực phẩm của Việt Nam còn rất nhiều khả năng khai thác, do có nguồn nông sản phong phú, sản lượng lớn với 140 triệu tấn; chất lượng nông sản đảm bảo, dinh dưỡng tốt, cán cân thương mại liên tục xuất siêu. Một số lĩnh vực đang bị bỏ ngỏ, như: Chế biến nông sản, kho lạnh dự trữ và điều tiết cung cầu nông sản, phụ phẩm nông nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong ngành thực phẩm, ông Tạ Đức Minh cho rằng: M&A trong ngành thực phẩm được dự báo tiếp tục sôi động nhằm hướng tới đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước đang tăng trưởng cũng như xuất khẩu ngược trở lại Nhật Bản. Tuy nhiên, xuất khẩu sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm tươi sống của Việt Nam sang Nhật Bản cần lưu ý một số vấn đề. Trong đó, đáp ứng các quy định kiểm dịch hay điều kiện trồng trọt, chăn nuôi, bao bì đóng gói là bắt buộc.

Với những sản phẩm đã thâm nhập thành công thị trường Nhật Bản, để giữ được thị phần lâu dài, bền vững là việc không hề đơn giản. Nếu sản phẩm vi phạm các quy định, Hải quan Nhật Bản sẽ nâng mức độ và tần suất kiểm tra, dẫn đến kéo dài thời gian và phát sinh rất nhiều chi phí cho thông quan, đôi khi còn dẫn đến việc mất bạn hàng, mất thị trường. Do vậy, liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt-chăn nuôi, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để đảm bảo chất lượng hàng nông thủy sản khi tới tay người tiêu dùng vẫn giữ được chất lượng là cần thiết.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần giữ giá thành sản phẩm ổn định nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường cũng như đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà nhập khẩu. Đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông thủy sản, thực phẩm Việt Nam. Đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử uy tín tại Nhật Bản như rakuten, amazon… nhằm giới thiệu rộng rãi tới người tiêu dùng Nhật Bản.

Bán giá đỗ bẩn, Bách Hóa Xanh xử lý khủng hoảng bằng cam kết hoàn tiền, kiểm soát chất lượng

Vì sao TPHCM đề xuất giữ lại Sở An toàn thực phẩm?

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nha-dau-tu-nhat-ban-ket-nganh-thuc-pham-viet-nam-130383.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nhà đầu tư Nhật Bản "kết" ngành thực phẩm Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH