Chỉ số VN-Index được dự báo có thể sớm hồi phục về khu vực trên 1.500 điểm khi sự ảnh hưởng của tin tức căng thẳng địa chính trị thế giới lắng xuống.
Tổng quan phiên 16/2:
Phiên hôm nay chứng kiến sự trở lại của một số nhóm ngành như xây dựng & vật liệu, hóa chất, bảo hiểm trong bối cảnh dòng ngân hàng tạm nghỉ ngơi sau giai đoạn chống đỡ thị trường. Tuy nhiên không phải mã nào cũng giữ được sắc xanh đến cuối phiên giao dịch.
Xét theo vốn hóa, trong khi nhóm vốn hóa lớn là tác nhân khiến VN-Index không kịp lấy lại sắc xanh thì các mã midcap & penny lại trở thành điểm đỡ quan trọng giúp chỉ số thoát cảnh giảm sâu. VNMidcap và VNSmallcap tăng lần lượt 20,66 điểm và 34,96 điểm.
Trong phiên hôm nay, nhóm bất động sản, xây dựng là điểm nhấn đáng chú ý khi thu hút tiền và nhiều mã tăng mạnh, thậm chí tăng trần như CEO, CII, DIG, DRH, FDC, LDG, NBB, QCG, SCR, VRC,… Ngay cả các cổ phiếu "họ FLC" cũng tăng khá tốt, FLC, ROS đóng cửa tăng trần.
Nhóm vật liệt xây dựng cũng có giao dịch tương đối tích cực với nhiều mã tăng như các cổ phiếu thép (HSG, POM, SMC, TIS, VGS,…) hay xi măng (BCC, BTS, HT1…).
Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng có diễn biến không mấy khả quan với nhiều mã giảm như ACB, BID, EIB, MBB, CTG, VIB, VPB, LPB, HDB, TCB, TPB,…
Bên cạnh đó, một số bluechips như MSN, VIC, VNM, SAB, MWG,…cũng đồng loạt giảm khiến thị trường không giữ được sắc xanh dù nhóm bất động sản, xây dựng giao dịch khá tích cực.
Tương tự, nhóm dầu khí sau giai đoạn tăng khá tốt gần đây đã chịu áp lực điều chỉnh với nhiều mã giảm như GAS, CNG, PGD, PGS, PVB, PVC, PVS,…
Kết phiên, VN-Index giảm 0,65 điểm (-0,04%) xuống 1.492,1 điểm; toàn sàn có 249 mã tăng, 183 mã giảm và 59 mã đứng giá. HNX-Index tăng 5,28 điểm (1,25%) lên 429,12 điểm; toàn sàn có 138 mã tăng, 86 mã giảm và 60 mã đứng giá. UpCOM-Index tăng 0,58 điểm (0,52%) lên 111,8 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên hôm qua do diễn biến trong phiên chiều là khá ảm đạm. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 18.720 tỷ đồng - giảm 3,38% so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE đạt 15.441 tỷ đồng, giảm 11,7%.
Giao dịch khối ngoại cũng không mấy tích cực khi họ bán ròng nhẹ trên cả 3 sàn với tổng giá trị gần 50 tỷ đồng. Lực bán tập trung vào các cổ phiếu như VNM, HPG, HDB, NVL,…
Nhận định phiên 17/2:
CTCK BIDV (BSC): Tích lũy cùng 1.480 - 1.490 điểm
Ngưỡng 1.500 dường như vẫn là một trở ngại tâm lí lớn đối với đa số nhà đầu tư. Độ rộng thị trường phiên 16/2 nghiêng về phía tích cực với 14/19 ngành tăng điểm. BSC dự báo xu hướng hiện tại vẫn đang ủng hộ nhịp tích lũy trong vùng 1.480 - 1.490 điểm.
CTCK Asean (Aseansc): Xuất hiện tín hiệu kỹ thuật khá tiêu cực
Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dạng ‘Hanging man’ tại vùng kháng cự 1.495 - 1.500 điểm, kèm thanh khoản cải thiện trong phiên 16/2. Theo Aseansc đây là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy áp lực chốt lời có phần gia tăng, và đà tăng có dấu hiệu chững lại.
Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.485 - 1.490 điểm - vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.475 - 1.480 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1.495 - 1.500 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.505 - 1.510 điểm.
CTCK Đông Á (DAS): Sớm hồi phục lên trên 1.500 điểm
DAS nhận định, diễn biến cung cầu đang trở nên cân bằng và ổn định khi các nhóm cổ phiếu thay phiên nhau tạo những nhịp tăng sau đó điều chỉnh nhẹ. Chỉ số VN-Index được dự báo có thể sớm hồi phục về khu vực trên 1.500 điểm khi sự ảnh hưởng của tin tức căng thẳng địa chính trị thế giới lắng xuống.
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Hướng tới vùng 1.52x điểm
Áp lực bán cân tỷ trọng quanh vùng cản gần 1.500 sau một nhịp hồi dốc tiếp tục gây cản trở đà hồi phục của chỉ số.
Mặc dù vậy, KBSV cho rằng cơ hội mở rộng nhịp hồi phục và hướng tới vùng cản kế tiếp tại quanh 1.52x điểm của VN-Index vẫn được đánh giá cao chừng nào vùng hỗ trợ đáng lưu ý tại quanh 1.45x tiếp tục được giữ vững.
VN-Index ‘cưa chân bàn’, hai cổ phiếu VN30 ngược dòng phá đỉnh lịch sử 
Cổ phiếu ngân hàng gặp thách thức lớn trong năm 2025?