Nhân viên 'quèn' thành tỷ phú tự thân giàu bậc nhất Trung Quốc
Liên tục phấn đấu, một nhân viên xuất thân bình thường đã dẫn dắt công ty vươn tầm thế giới, phá thế độc quyền Âu Mỹ, trở thành một trong những tỷ phú tự thân giàu nhất Trung Quốc.
Ôn Châu, Chiết Giang (Trung Quốc) - vùng đất được mệnh danh là ‘cái nôi của các nhà toán học’ và "Thủ đô giày" của Trung Quốc , là nơi sinh ra nhiều nhân tài và chủ tịch công ty linh kiện điện tử ô tô Keboda, tỷphú Ke Guihua (Kế Quế Hoa) - một trong những ngôi sao sáng giá nhất.
Ke Guihua sinh năm 1965, trong một gia đình bình dân ở Ôn Châu. Ông khởi đầu là một nhân viên rất đỗi bình thường tại nhà máy quang điện tử Yue Qing Baixiang. Với nỗ lực và sự kiên trì không ngừng, ông dần được thăng chức lên quản lý, giám đốc nhà máy và tổng giám đốc.
Năm 2003, ông thành lập công ty Opel tại Khu công nghệ cao Zhangjiang (Thượng Hải), tiền thân của Keboda - nhà sản xuất linh kiện điện tử ô tô tầm cỡ quốc tế.
Dẫn dắt doanh nghiệp vươn tầm thế giới
Bằng sự hiểu biết sâu sắc về thị trường và không ngừng theo đuổi sự đổi mới, Ke Guihua dần đưa Keboda trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực điện tử ô tô trong nước, sau đó vươn tầm thế giới, phá vỡ thế độc quyền của các đối tác châu Âu và Mỹ trên thị trường điện tử ô tô cao cấp.
Năm 2005, công ty đã nhận được giấy phép sản xuất thiết bị điện tử ô tô đầu tiên từ hãng Volkswagen (Đức). Kể từ đó, Keboda bắt đầu cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho Volkswagen Thượng Hải - dự án nội địa hóa ô tô đầu tiên của Trung Quốc được hãng Volkswagen công nhận.
Năm 2007, công ty đổi tên thành Keboda và tiến hành cổ phần hóa. Năm 2019, Keboda niêm yết thành công trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải, từ một doanh nghiệp nhỏ ‘thoát kén thành bướm’, trở thành công ty niêm yết đại chúng.
Keboda đã tích hợp thành công vào hệ thống chuỗi cung ứng điện tử ô tô cao cấp toàn cầu. Các sản phẩm của Keboda giành được sự tin tưởng của giới công nghệ cao, cũng như các thị trường khó tính là châu Âu và Mỹ.
Ngày nay, Keboda là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực điện tử ô tô, sở hữu một loạt công ty con và liên doanh. Tính đến tháng 1/2024, Keboda có tổng giá trị thị trường là 26,8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 92,5 nghìn tỷ đồng).
Ke Guihua đã có công đưa Keboda lên vị trí dẫn đầu ngành nhờ kỹ năng lãnh đạo xuất sắc và hiểu biết sâu sắc về thị trường.
Nhờ thành công của Keboda, khối tài sản của Ke Guihua cũng tăng lên nhanh chóng. Năm 2023, tài sản của Ke Guihua đạt mức 11,5 tỷ nhân dân tệ (gần 39,3 nghìn tỷ đồng), đưa ông gia nhập danh sách tỷ phú thế giới và là một trong những người giàu nhất Trung Quốc.
Bí quyết thành công khó mà dễ
Thành công của Ke Guihua không phải ngẫu nhiên mà là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, sự kết hợp chặt chẽ giữa sự nỗ lực, đổi mới công nghệ và phúc lợi xã hội. Thành công đó được Ke Guihua đúc kết thành 3 bí quyết sau:
Sự kiên trì và chăm chỉ là nền tảng của sự thành công: Ke Guihua khởi đầu là một nhân viên bình thường, bằng những nỗ lực và kiên trì không ngừng nghỉ, cuối cùng đã thực hiện được ước mơ của mình. Điều này cho thấy chỉ khi kiên trì theo đuổi mục tiêu mới có thể bứt phá và nổi bật trong cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Hiểu biết sâu sắc về thị trường là "chìa khóa": Thành công của Ke Guihua trong thị trường điện tử ô tô cao cấp bắt nguồn từ sự hiểu biết sâu sắc về thị trường. Điều này nhắc nhở mỗi doanh nhân phải chịu khó tìm tòi và nắm bắt thị trường, từ đó nắm được chìa khóa của sự khác biệt và tạo ra sức cạnh tranh.
Dám thử thách và bứt phá giới hạn bản thân: Trong quá trình khởi nghiệp, Ke Guihua luôn tự tin, dám thách thức những đối thủ mạnh để cọ sát và tôi rèn bản thân, giúp ông ngày càng vươn xa, thậm chí phá vỡ thế độc quyền của các đối tác Âu - Mỹ. Điều đó cho thấy có dũng khí thách thức thì hoàn toàn có thể bứt phá trong thị trường có tính cạnh tranh cao.
Những bí kíp thành công của Ke Guihua không chỉ dành cho kinh doanh, mà đúng với mọi lĩnh vực. Con đường thành công là rất khó khăn, nhưng hoàn toàn có thể biến ước mơ thành sự thật nếu có sự tìm tòi, sẵn sàng nắm bắt cơ hội, cùng với sự nỗ lực, tinh thần dám nghĩ dám làm, vượt qua chính bản thân mình.
(Theo Forbes)
>> Câu chuyện của 'triệu phú shipper' gây tranh cãi 
Con đường trở thành tỷ phú của 5 bác sĩ giàu bậc nhất thế giới 
Nữ tỷ phú tự thân từng làm phóng viên đến khối tài sản hơn 10 tỷ USD