Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng, bán cổ phần với mức giá rất thấp, thậm chí bán rẻ cho các đối tác.
Thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong và ngoài nước song Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, giúp kinh tế nước ta đã phục hồi nhanh, đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Nhiều khó khăn ngáng đường doanh nghiệp
Uỷ ban Kinh tế đánh giá doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa. Việc quá chú trọng kiểm soát lạm phát cũng là nguyên nhân khiến lãi suất cao trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn. Cùng với đó việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện quá chậm…
"Nền kinh tế trong tình trạng thiếu thanh khoản trong khi số vốn đầu tư công chậm giải ngân tồn đọng gửi tại Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng thấp, lạm phát thấp, lãi suất cao là những nghịch lý, thể hiện sự bất cập trong công tác điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ", báo của Uỷ ban Kinh tế nêu.
Trong những tháng đầu năm 2023, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế đánh giá tăng trưởng GDP quý 1 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%) là rất khó khăn.
Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ năm trước trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25% và xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
Giới phân tích cho rằng, những khó khăn vẫn còn “đeo bám” doanh nghiệp từ nay đến cuối năm. Đơn cử, mới đây Công ty TNHH PouYuen Việt Nam - doanh nghiệp đang sử dụng trên 50.000 người thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 5.700 lao động (chiếm hơn 10% tổng lao động) với lý do đơn hàng sụt giảm.
"Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến", Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.
Ngoài ra theo Uỷ ban Kinh tế, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao (khoảng 9,3%/năm) và tín dụng tăng trưởng đến cuối tháng 4 tăng thấp 2,75% so với đầu năm. Điều này cho thấy những khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế.
"Thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn", Uỷ ban Kinh tế nêu.
Bán từ khách sạn đến bất động sản, ô tô, đồng hồ,...
Thực tế chuyện bán bớt tài sản hay thậm chí bán luôn cả doanh nghiệp kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay không còn là hiếm. Chẳng hạn, đầu tháng 3 vừa qua, chủ khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake ngay giữa trung tâm Hà Nội công bố sẽ bán khách sạn này với giá khởi điểm 250 triệu USD (khoảng 5.900 tỉ đồng).
Trao đổi với báo chí về nguyên nhân phải rao bán khách sạn, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình, đồng thời là chủ khách sạn, cho biết do dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp chưa được cấp giấy phép xây dựng, dẫn đến doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn về dòng tiền và phải bán tài sản để giải quyết thanh khoản.
Ông Đường cũng thông tin nhiều đối tác tới từ Trung Quốc, Ấn Độ và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đang đàm phán mua khách sạn. Không chỉ riêng khách sạn dát vàng nói trên, theo ước tính có hàng trăm khách sạn lớn nhỏ ở nhiều nơi như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đã được rao bán trong vòng 2 năm trở lại đây do chủ đầu tư không đủ kinh phí để mở cửa hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 hay vắng khách khiến doanh thu không bù đắp nổi chi phí.
Hay Tập đoàn Egroup đã thông báo "cấn nợ" 75 lô đất ở Thanh Hóa, mỗi lô có diện tích từ 100 - 194 m2, bán đồng giá là 300 triệu đồng/nền. Số lô đất này dành cho chủ nợ có dư nợ dưới 1 tỉ đồng tại Egroup và các công ty liên quan. Nhà đầu tư được gạt nợ 100, 200 triệu đồng, còn lại phải đóng tiền mặt.
Nhóm có dư nợ trên 1 tỷ đồng được giới thiệu 27 căn biệt thự nghỉ dưỡng thuộc dự án Wynham SkyLake Resort & Golf Club (Chương Mỹ, Hà Nội). Dự án này diện tích đa dạng, giá từ 12,5 tỷ đồng trở lên. Egroup sẽ trả 6 tỷ đồng, tùy sản phẩm mà nhà đầu tư sẽ bỏ thêm tiền mặt tương ứng để sở hữu.
Có những thương vụ mua bán đến từ cá nhân, doanh nghiệp trong nước nhưng phần lớn các tài sản có giá trị lớn được thâu tóm gần đây là rơi vào tay khối ngoại. Trong năm 2022, Tập đoàn Gamuda Land đến từ Malaysia đã thành công mua lại dự án Artisan Park tại thành phố mới Bình Dương từ TDC. Thương vụ này có giá trị lên đến 54 triệu USD và cũng được xếp vào top 10 thương vụ M&A tiêu biểu năm 2022.
Ngay tiếp sau đó, Gamuda Land liền sáp nhập một công ty nội địa để qua đó sở hữu Elysian - dự án khu phức hợp căn hộ cao tầng rất tiềm năng tại TP.Thủ Đức (TP.HCM). Dự án này có tổng diện tích khoảng 3 ha, quy hoạch 1.300 căn hộ có tổng giá trị phát triển (GDV) ước tính lên đến trên 250 triệu USD.
Vào giữa tháng 3, Reuters cũng đưa tin CapitaLand Group có thể đang đàm phán với một ông lớn bất động sản (BĐS) trong nước để mua một dự án ở phía bắc TP.Hải Phòng. Giá trị của thương vụ ước tính lên tới 1,5 tỉ USD (hơn 35.000 tỉ đồng).
Không bình luận trực tiếp về vấn đề thỏa thuận nêu trên khi được Reuters liên hệ nhưng đại diện CapitaLand Group cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường cốt lõi và công ty liên tục đánh giá các cơ hội đầu tư để phát triển sự hiện diện của mình tại nước ta.
Ngoài ra, còn có hàng loạt vụ rao bán khoản nợ gồm nhiều tài sản mà chủ yếu là nhà đất ở nhiều ngân hàng kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay. Thậm chí, nhiều ông chủ doanh nghiệp phải bán bớt từ nhà cửa đến ô tô, đồng hồ để lấy tiền trả lương cho nhân viên, duy trì hoạt động cho công ty…