Hàng hóa - Tiêu dùng

Doanh nghiệp rau quả Việt Nam tranh thủ ‘chạy nước rút’ xuất khẩu sang Mỹ trong 90 ngày hoãn thuế

Ái Hân 11/04/2025 - 15:09

Mỹ tạm hoãn áp thuế 46% trong 90 ngày giúp doanh nghiệp rau quả Việt Nam nối lại đơn hàng và “chạy nước rút” xuất khẩu.

Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng 46% trong vòng 90 ngày được đánh giá là tín hiệu tích cực, đặc biệt đối với ngành rau quả vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đặc thù sản phẩm tươi sống, dễ hư hỏng và khó bảo quản lâu dài.

Doanh nghiệp rau quả Việt Nam tranh thủ ‘chạy nước rút’ xuất khẩu sang Mỹ trong 90 ngày hoãn thuế
Mỹ tạm hoãn áp thuế 46% trong 90 ngày giúp doanh nghiệp rau quả Việt Nam nối lại đơn hàng và “chạy nước rút” xuất khẩu. Ảnh minh hoạ

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, quyết định này giúp các doanh nghiệp có hàng đang vận chuyển trên biển "thở phào nhẹ nhõm". Đồng thời, nhiều đơn hàng trước đó bị tạm dừng cũng đã được khôi phục.

>>Microsoft thông báo rút khỏi Trung Quốc, hơn 2.000 nhân viên bất ngờ mất việc

Tuy nhiên, không giống như một số ngành khác, ngành rau quả khó tận dụng cơ hội để ký thêm nhiều hợp đồng trong thời gian ngắn. “Các mặt hàng tươi rất khó kéo dài thời gian bảo quản, nên doanh nghiệp chỉ có thể đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến, vốn có hạn sử dụng lâu hơn”, ông Nguyên cho biết.

“Thông thường, thời gian vận chuyển hàng hóa sang Mỹ mất khoảng một tháng. Như vậy, doanh nghiệp chỉ còn hai tháng để hoàn tất các đơn hàng đã ký hoặc kịp đàm phán thêm hợp đồng mới trước khi thời hạn miễn thuế kết thúc”, ông nói thêm.

Ông Nguyên nhấn mạnh, về dài hạn, việc đánh giá toàn diện tác động thuế quan sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới.

Với Vina T&T, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu rau quả hàng đầu Việt Nam quyết định tạm hoãn áp thuế từ Mỹ đã mở đường nối lại các đơn hàng từng bị gián đoạn.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, khi Mỹ thông báo mức thuế 46%, khoảng 40% đơn hàng của công ty bị ảnh hưởng do đối tác lo ngại giá bán tăng sẽ khiến người tiêu dùng không chấp nhận. Tuy nhiên, sau khi có thông tin tạm hoãn, các đơn hàng đã được nối lại.

“Chúng tôi rất mừng nhưng cũng không khỏi lo lắng vì không ai đoán trước được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đối tác của chúng tôi bên Mỹ cũng buộc phải điều chỉnh lại toàn bộ kế hoạch kinh doanh, thậm chí lên kế hoạch theo từng tuần thay vì từng tháng như trước”, ông Tùng chia sẻ.

Trong thời gian 90 ngày này, doanh nghiệp đang tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu các đơn hàng hiện có. Do đặc thù sản phẩm không thể bảo quản lâu, cả hai bên nhà cung cấp và khách hàng đều phải tăng tốc thực hiện hợp đồng.

Cũng theo ông Tùng, Vina T&T đang tích cực đàm phán với các đối tác để chia sẻ chi phí phát sinh nếu mức thuế cao được áp dụng trở lại. Đồng thời, công ty đã chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là Mỹ giữ nguyên mức thuế 46%, bằng cách liên kết với các đơn vị trong chuỗi cung ứng để giảm giá thành.

“Chúng tôi cùng các doanh nghiệp trong chuỗi, từ nhà cung cấp bao bì đến đơn vị logistics, sẽ hy sinh một phần lợi nhuận để duy trì mức giá cạnh tranh. Nếu cần, chúng tôi sẽ giảm giá bán khoảng 16-17% so với hiện tại để giữ chân thị trường”, ông Tùng nói.

Dù mức thuế 46% đang tạm hoãn, mặt hàng rau quả Việt Nam vẫn phải chịu thuế chung 10% khi vào thị trường Mỹ. Ông Tùng cho rằng đây là phép thử đối với người tiêu dùng Mỹ. Nếu giá cả tăng ảnh hưởng đến sinh hoạt và người dân phản ứng mạnh, chính phủ Mỹ có thể phải điều chỉnh chính sách hoặc tìm nguồn cung thay thế.

Tuy nhiên, theo ông, Việt Nam có lợi thế rõ rệt ở các nhóm hàng như gạo, tiêu, thủy sản là những mặt hàng khó thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp rau quả Việt Nam tranh thủ ‘chạy nước rút’ xuất khẩu sang Mỹ trong 90 ngày hoãn thuế
Nguồn: Hải quan Việt Nam

Dù thị trường có nhiều biến động, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh. Trong quý I năm nay, kim ngạch đạt 111 triệu USD, tăng tới 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 360 triệu USD, tăng 40% so với năm 2023. Tính riêng quý I/2025, giá trị xuất khẩu đã tương đương một phần ba cả năm trước.

Hiện Mỹ là thị trường tiêu thụ rau quả lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Mỹ là thị trường tiềm năng với giá cả ổn định và mức tiêu thụ tăng đều qua từng năm.

Doanh nghiệp rau quả Việt Nam tranh thủ ‘chạy nước rút’ xuất khẩu sang Mỹ trong 90 ngày hoãn thuế
Nguồn: Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế

Số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế cho thấy, trong 5 năm gần đây, nhập khẩu rau quả vào Mỹ tăng đều đặn. Năm 2024, nước này chi gần 61 tỷ USD để nhập khẩu rau quả tăng 8% so với năm trước.

Cùng với đó, báo cáo từ Grand View Research dự báo, quy mô thị trường rau quả tại Mỹ sẽ đạt 96,26 tỷ USD trong năm 2023 và tăng trưởng với tốc độ kép hằng năm (CAGR) 4,1% trong giai đoạn 2024-2030. Người tiêu dùng Mỹ đang đầu tư nhiều hơn cho sức khỏe, với nhu cầu ngày càng cao đối với rau quả tươi, đặc sản và có nguồn gốc rõ ràng.

>>Chỉ với 60 triệu đồng, người dùng có thể sở hữu mẫu xe được vinh danh 'Ôtô của năm'

Lộ diện mẫu xe máy số 125cc hoàn toàn mới: Thiết kế 'đẹp không góc chết', giá chỉ hơn 30 triệu đồng

Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu nông sản Việt, những doanh nghiệp nào đang đưa sản phẩm vào thị trường tỷ dân?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-rau-qua-viet-nam-tranh-thu-chay-nuoc-rut-xuat-khau-sang-my-trong-90-ngay-hoan-thue-286393.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Doanh nghiệp rau quả Việt Nam tranh thủ ‘chạy nước rút’ xuất khẩu sang Mỹ trong 90 ngày hoãn thuế
    POWERED BY ONECMS & INTECH