Ngày 22/6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã có mặt tại Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc có 205 lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Lãnh đạo các tập đoàn Hàn Quốc dự cuộc tọa đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính
Phái đoàn bao gồm những tập đoàn lớn: Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Motor Chung Eui-sun, Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo, Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong-bin, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hanwha Kim Dong-kwan, Chủ tịch Tập đoàn Hanjin Cho Won-tae, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Cho Hyun-sang…
Đây là phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất tháp tùng chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Yoon Suk-yeol từ trước đến nay kể từ khi ông nhậm chức tổng thống vào tháng 5/2022.
Chính vì thế, báo chí Hàn Quốc đã rầm rộ đưa tin về quy mô của phái đoàn doanh nghiệp này cũng như phân tích những cơ hội đầu tư mà phái đoàn có thể khai thác qua chuyến công du của Tổng thống Yoon Suk-yeol. Chuyến đi được kỳ vọng sẽ giúp Hàn Quốc thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam, góp phần tiếp thêm sinh lực cho quan hệ hợp tác kinh tế Việt-Hàn ngày càng phát triển.
Theo tờ The Korea Herald ngày 22/6, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, các lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng, công nghệ mới, năng lượng và môi trường. Bên cạnh đó, quốc phòng cũng là một trong những lĩnh vực quan trọng có cơ hội kinh doanh tiềm năng.
Tờ Korea Times cũng đề cập việc phái đoàn Hàn Quốc thăm Việt Nam, rằng các doanh nghiệp này đang tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam - đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc sau Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap đưa tin, trong buổi tiếp một doanh nghiệp Hàn Quốc tại một khách sạn ở Hà Nội vào tối 22/6, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã kêu gọi các doanh nhân đầu tư vào thị trường Việt Nam, nhấn mạnh rằng họ đang nắm giữ vai trò quan trọng để vượt qua các rủi ro toàn cầu hiện nay.
Viện dẫn những khó khăn của môi trường kinh doanh, như nền kinh tế thế giới suy thoái, chuỗi cung ứng đứt gãy và các cuộc khủng hoảng năng lượng, môi trường, Tổng thống Yoon Suk-yeol tin rằng "đáp án để vượt qua những cuộc khủng hoảng đó có thể tìm thấy tại Việt Nam - trung tâm của chuỗi cung ứng đang tái cấu trúc và là một thị trường tiêu dùng mới nổi".
Tổng thống Yoon Suk-yeol nói rằng Việt Nam đang xây dựng một hệ sinh thái đổi mới với mục tiêu trở thành một quốc gia tiên tiến vào năm 2045, cải thiện cơ sở hạ tầng liên lạc và năng lượng, đồng thời thúc đẩy các dự án quy mô lớn để phát triển các ngành công nghiệp và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.
"Một cơ hội mới đang mở ra cho Hàn Quốc, hơn bất kỳ quốc gia nào khác, có mối liên hệ chặt chẽ với Việt Nam" - Tổng thống Yoon Suk-yeol nhận định.
Trước đó, trao đổi với báo giới, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Oh Young Ju nhấn mạnh, lĩnh vực hợp tác đóng vai trò quan trọng nhất trong quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc là kinh tế.
Trong các chuyến thăm của nguyên thủ Hàn Quốc ra nước ngoài trong thời gian qua, số lượng đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc tháp tùng Tổng thống lần này là đông nhất. Điều đó cho thấy mối quan hệ hợp tác về kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đến nay đã phát triển nhanh chóng và ngoạn mục.
Theo thông tin từ truyền thông Hàn Quốc, trong 3 ngày này, phái đoàn dự kiến sẽ ký một số biên bản ghi nhớ hợp tác. Các doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc đang tìm cách đảm bảo hợp tác chuỗi cung ứng và mở rộng xuất khẩu. Trong thực tế, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc kể trên đều đã có nhà máy hoặc hợp tác đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam. Nhiều tập đoàn vẫn đang có kế hoạch mở rộng. Trong đó, Samsung không chỉ là nhà đầu tư của Hàn Quốc lớn nhất mà còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Cuối năm ngoái, Phó chủ tịch Samsung Electronics Han Jong-hee cho biết sẽ nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỷ USD, tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn. Tập đoàn này vừa đưa vào vận hành Trung Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội với quy mô lớn nhất Đông Nam Á.
Tập đoàn LG cũng từng tiết lộ sẽ đầu tư thêm 5 tỷ USD vào Việt Nam tới đây, hay SK đang đẩy mạnh rót vốn vào Việt Nam thông qua các khoản đầu tư vào Masan, Vingroup.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong 5 tháng đầu năm, Hàn Quốc là một trong những nền kinh tế có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu về số dự án mới và số lượt điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần.
Việt Nam đang là "hấp lực" với doanh nghiệp Hàn Quốc
Có thể nói, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng liên tục và ổn định qua các năm. Năm 2022, do suy giảm kinh tế toàn cầu và tác động từ các cuộc xung đột địa chính trên thế giới, vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam giảm, nhưng đây vẫn là đối tác có các quyết định đầu tư mới và tăng cường mở rộng.
Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận xét với một phái đoàn doanh nghiệp Hàn có quy mô lớn hơn 200 vị đến Việt Nam kỳ này cho thấy môi trường đầu tư Việt Nam đang có những yếu tố hấp lực nhà đầu tư rất lớn. Đáng lưu ý, là trong phái đoàn này, có rất nhiều nhà đầu tư chất lượng cao.
Chuyên gia kinh tế, TS Bùi Kiến Thành nhận xét, trong những năm qua, thu hút đầu tư của Việt Nam và Hàn Quốc phát triển rất tốt, Hàn Quốc luôn là một trong những nước hàng đầu tham gia đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam. Đây cũng là một nước có công nghệ cao và có thể huy động con số đầu tư lớn mà doanh nghiệp Việt chưa có khả năng huy động...
"Chuyến thăm lần này của phái đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc chắc chắn là cơ hội tốt, hiếm có để doanh nghiệp trong nước hợp tác đầu tư, Việt Nam thu hút được dòng vốn FDI có chất lượng", ông Thành nói.