Tài chính Ngân hàng

NHNN: Bám sát diễn biến, thúc đẩy tín dụng hỗ trợ nền kinh tế

Anh Minh 23/07/2024 - 17:13

Đến ngày 28/6, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh. NHNN khuyến khích tạo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) bằng các nguồn lực hiện có, nhưng phải hài hòa các chính, bảo đảm các mục tiêu ngắn và dài hạn, thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý.

NHNN: Bám sát diễn biến, thúc đẩy tín dụng hỗ trợ nền kinh tế- Ảnh 1.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin tại họp báo.

Đây là ý kiến của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 do NHNN tổ chức ngày 23/7, tại Hà Nội.

(TyGiaMoi.com) - Tín dụng tăng tăng 6% trong nửa đầu năm

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, tăng trưởng không đồng đều tại các quốc gia, khu vực do tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ mức lãi suất cao lâu hơn kỳ vọng thị trường cùng sự phân hóa trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của nhiều ngân hàng Trung ương (NHTW) khiến đồng tiền của nhiều nước bị giảm giá. Tuy kinh tế trong nước đã có sự phục hồi tích cực, lạm phát ổn định nhưng vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do chịu tác động của kinh tế thế giới và những vấn đề nội tại của kinh tế trong nước, hệ quả dai dẳng từ đại dịch COVID-19…

Trong bối cảnh đó, với kinh nghiệm điều hành trong những năm trước đây, NHNN đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD). Trong đó NHNN xác định 2 nhiệm vụ chính trị và trọng tâm nhất đó là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tễ vĩ mô và tăng trưởng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế.

Cụ thể, trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, NHNN chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; yêu cầu các TCTD công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng, qua đó, nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay.

Dù có các yếu tố bên ngoài bất lợi, NHNN đã điều hành linh hoạt, giải quyết hài hoà các vấn đề đảm bảo đạt mục tiêu đề ra kiểm soát lạm phát, nhưng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Về tỉ giá, Phó Thống đốc Đào Minh Tú phân tích: NHNN đã linh hoạt sử dụng nhiều biện pháp, trong trường hợp cần thiết sử dụng các biện pháp mạnh bán ngoại tế đảm bảo vừa giữ tỉ giá ở mức hợp lý, bảo đảm nguồn cung ngoại tệ DN, giữ ổn định tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước… giúp tỉ giá vẫn ổn định, mức mất giá khoảng 4,4%, thấp hơn so với nhiều nước.

Về thị trường vàng, lãnh đạo NHNN phân tích: Nửa đầu năm thị trường này có nhiều biến động. Trong bối cảnh đó, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp của các bộ ngành liên quan, đến nay chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới qui đổi đã giảm đáng kể. Giá bán vàng miếng SJC trên thị trường trong nước đã giảm mạnh, chênh lệch trên 5 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.

Đối với vấn đề tăng trưởng, rất nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, chỉ đạo các ngân hàng trên cơ sở tiết giảm chi phí, bằng nguồn lực của mình giảm lãi suất cho vay, tăng nguồn vốn cho các gói tín dụng ưu đãi tạo cú hích cho tăng trưởng tín dụng.

Với các giải pháp đồng bộ của ngành Ngân hàng, đến ngày 28/6/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh. Bên cạnh đó, các TCTD tích cực triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách; các chương trình mục tiêu quốc gia…

Điều hành chính sách tiền tệ thực hiện ‘mục tiêu kép’

Trong thời gian tới, trước dự báo kinh tế cơ hội và thách thức đan xen, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, uyển chuyển, năng động phù hợp với xu hướng diễn biến kinh tế thế giới cũng như trong nước để vừa tận dụng cơ hội thuận lợi vừa hoá giải thách thức bảo đảm các mục tiêu đặt ra: kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giá trị đồng tiền, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong 6 tháng cuối năm, NHNN điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

Riêng đối với gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin: NHNN đang trình Chính phủ một số chính sách mới cởi mở hơn tạo thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận được gói tín dụng này. Theo chia sẻ của Thống đốc, hiện có 4 NHTMCP muốn tham gia với quy mô 5 nghìn tỷ đồng/ngân hàng nâng quy mô gói tín dụng lên 140 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, mức lãi suất cho vay gói tín dụng này giảm 3%/năm thay vì 2%/năm như hiện tại. Thời gian xác định lãi suất đề xuất điều chỉnh 3 tháng/lần thay vì 6 tháng/lần…

"Đáng chú ý, sau thời gian ưu đãi, NHNN không để thả nổi, tránh hiện tượng ngân hàng tự ý tăng lãi suất lên cao mà vẫn kiểm soát lãi vay trên tinh thần vẫn thấp hơn mặt bằng chung để hỗ trợ người vay hiệu quả hơn", lãnh đạo NHNN nói.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, lãnh đạo NHNN cũng khẳng định khuyến khích các ngân hàngcho vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người mua nhà có thu nhập thấp...

NHNN cũng triển khai các gói tín dụng ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu thủy sản vừa có thêm ngoại tệ vừa hỗ trợ bà con nông dân.

Thời gian tới, lãnh đạo khẳng định: NHNN tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" góp phần phát triển hệ thống các TCTD hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh...NHNN cũng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực thanh toán, phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn.

>> Giám đốc Quốc gia ADB chỉ ra 'trái ngọt' từ chính sách tiền tệ khéo léo của NHNN Việt Nam

Giám đốc Quốc gia ADB chỉ ra 'trái ngọt' từ chính sách tiền tệ khéo léo của NHNN Việt Nam

Thủ tướng gửi Công điện, yêu cầu Bộ Tài chính và NHNN tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/nhnn-bam-sat-dien-bien-thuc-day-tin-dung-ho-tro-nen-kinh-te-102240723140835911.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    NHNN: Bám sát diễn biến, thúc đẩy tín dụng hỗ trợ nền kinh tế
    POWERED BY ONECMS & INTECH