NHNN trình phương án tăng vốn “khủng” cho nhóm Big 4 ngân hàng
NHNN cho hay, đến nay phần lớn các tổ chức tín dụng đã gửi phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 để cơ quan này có ý kiến/phê duyệt theo thẩm quyền.
Trong báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và hoạt động ngân hàng năm 2023, định hướng năm 2024 được Ngân hàng Nhà nước đã ban hành ngày 23/10, cơ quan này trình phương án tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước .
Theo Báo cáo, nhằm góp phần nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ quyết định Phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn Nhà nước cho BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn xin ý kiến Bộ Tài chính về Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào Vietinbank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2009-2016 và năm 2021; đang dự thảo văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành về dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Tờ trình Quốc hội đối với phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay phần lớn các tổ chức tín dụng đã gửi phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 (4 ngân hàng thương mại Nhà nước, 11 tổ chức tín dụng nước ngoài, 22 ngân hàng thương mại cổ phần, 20 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 4 tổ chức tài chính vi mô) để cơ quan này có ý kiến/phê duyệt theo thẩm quyền.
Các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các tổ chức tín dụng cả về quy mô vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại Nhà nước đã và đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro...
Bên cạnh đó, các ngân hàng còn đẩy mạnh cơ cấu lại mạng lưới kênh phân phối, trong đó ưu tiên phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn theo các định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Lộ tiến độ tăng vốn "khủng" cho nhóm Big4 ngân hàng