Nhóm Big4 hé lộ chuyện tăng trưởng tín dụng
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến 14/6, tín dụng tăng trưởng 3,79% so với cuối năm 2023, tuy nhiên, có những tổ chức tín dụng tăng trưởng âm.
Sáng ngày 19/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 do Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đồng chủ trì.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thông tin, tính đến 14/6, tín dụng tăng trưởng 3,79% so với cuối năm 2023; tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng. Tuy nhiên, có những tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm.
>> Thống đốc NHNN: Tín dụng đến 14/6 tăng 3,79% so với cuối năm 2023 
Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Vietcombank - ông Nguyễn Thanh Tùng - thông tin, tính đến hết 17/6, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng mới đạt 2,1%, tức tăng 29.000 tỷ đồng, thấp hơn so với các năm trước.
Trong đó, dư nợ đối với khách hàng bán buôn tăng 3,6% và khác hàng bán lẻ tăng 1,3%. Tín dụng bán lẻ trong toàn 2 hai quý cuối năm 2023, đầu 2024 đều giảm, chỉ tăng ở tháng 6. Hiện bán lẻ chiếm hơn 20% tổng dư nợ của Vietcombank, trong đó dư nợ tiêu dùng bất động sản rất lớn.
Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: SBV) |
Giải thích về nguyên nhân tín dụng bán lẻ tăng chậm, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết trong thời gian vừa qua, do khó khăn pháp lý, cung bất động sản rất hạn chế, người dân thu nhập giảm … dẫn đến người dân e dè trong đầu tư mua sắm.
Bên cạnh đó, Thông tư 06 thúc đẩy các ngân hàng cạnh tranh lãi suất, nhưng cũng đồng thời khiến khách hàng chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. "Khẩu vị mỗi ngân hàng khác nhau, không phải chỉ lãi suất mà còn tỷ lệ cho vay/tài sản đảm bảo. Nguyên nhân khiến khách hàng rời đi không chỉ do lãi suất", ông Tùng nói.
Tổng Giám đốc Vietcombank dự kiến đến hết 30/6 tăng trưởng tín dụng đạt 4,3%, đến hết 30/9 là 8,2% và cả năm là 12%.
Cũng trong hội nghị, Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm thông tin, tăng trưởng tín dụng của BIDV cập nhật hết 17/6 là 4,7%, tương ứng dư nợ 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 81.000 tỷ so với cuối năm 2023. Tính theo doanh số giải ngân là 34 triệu tỷ đồng, vòng quay vốn là 2,78 lần.
Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: SBV) |
"Cuối năm ngoái tăng trưởng khá nhanh nên trong tháng 1,2 là tăng trưởng âm, bắt đầu tăng trưởng vào tháng 5 và đến nay là tăng 4,7%. Nhưng thực tế dư nợ so với cùng kỳ năm ngoái tăng 15,6%, con số này không phải thấp", ông Lâm nhấn mạnh.
Xét theo địa bàn, tín dụng Hà Nội tăng trưởng 9,6%, TP HCM tăng 4,1%, Nam Trung Bộ tăng 6,3%. Những khu vực còn lại tăng thấp, có cụm âm. Hiện nay có nhiều đơn vị tăng trưởng âm so với năm 2023.
Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: SBV) |
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, đến hết 31/5, tổng tài sản của Agribank đạt trên 2 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ đạt 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 1,24%. Dự kiến đến hết 30/6 tăng 2,5% và hết năm tăng trưởng 8,5%.
"Mặc dù Phó Thống đốc cho biết Agribank tăng trưởng thấp nhưng với đặc thù tín dụng Agribank, tệp khách hàng thì đây cũng là một kết quả tốt. Đồng thời, Agribank cũng tăng trưởng tốt hơn với cùng kỳ năm trước", ông Vượng phát biểu.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Agribank cho biết, một số ngành, lĩnh vực tăng cao như: Bán buôn, bán lẻ tăng 5,1%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,1%, sản xuất điện tăng 2,8%. Chương trình nhà ở xã hội đã phê chuẩn 11 dự án với 39 khách hàng, kết quả cao nhất trong các ngân hàng thương mại.
>> Phó Thống đốc NHNN đưa ra 10 giải pháp điều hành tín dụng đến cuối năm 2024