Nhóm công nhân tìm thấy ngôi mộ cổ 1.700 tuổi khi xây dựng nhà: Chuyên gia khảo cổ sửng sốt khi bên trong là kho tàng ‘báu vật’ có giá trị
Ngôi mộ được xây dựng như một căn phòng gỗ độc đáo và chứa hài cốt của một người đàn ông.
Trong quá trình chuẩn bị xây dựng một khu nhà ở tại thị trấn Gerstetten, Đức, các công nhân tình cờ phát hiện một ngôi mộ  cổ có niên đại 1.700 năm. Khi ngôi mộ được mở, các chuyên gia khảo cổ đã sửng sốt trước kho tàng hiện vật giá trị bên trong.
Theo thông tin từ Archaeology Magazine, phát hiện này do nhóm chuyên gia từ công ty khảo cổ học ArchaeoBW thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Văn phòng Nhà nước về Bảo tồn Di tích (LAD) thuộc Hội đồng Khu vực Stuttgart. Cuộc khai quật được tiến hành vào tháng 8/2024 như một phần của dự án khảo cổ cứu hộ, nhằm bảo tồn các di tích lịch sử trước khi triển khai xây dựng khu dân cư mới trong khu vực.
Ngôi mộ được các nhà khảo cổ khai quật (Ảnh: ArchaeoBW / Văn phòng Nhà nước về Bảo tồn Di tích tại Hội đồng Khu vực Stuttgar)
Cụ thể, ngôi mộ được xây dựng như một căn phòng gỗ độc đáo và chứa hài cốt của một người đàn ông. Khi kiểm tra xương sườn của ông, các chuyên gia xác định thời gian mất của ông rơi vào khoảng từ năm 263 đến 342 sau Công nguyên.
Để xác định chính xác tuổi của người đã khuất và niên đại của ngôi mộ, các nhà khảo cổ đã tiến hành phân tích carbon phóng xạ trên một mẫu xương sườn. Mẫu vật được chuyển trực tiếp từ địa điểm khai quật đến một phòng thí nghiệm tại Mannheim, nơi các nhà khoa học xác nhận chính xác niên đại và cung cấp những dữ liệu quý giá về người được chôn cất tại đây.
Bên cạnh hài cốt, các nhà khảo cổ học còn phát hiện một số đồ tùy táng quý giá trong khu vực chôn cất. Người đàn ông được chôn cùng với những món đồ gốm, đồ thủy tinh và một chiếc lược nhỏ. Đặc biệt, dù đã trải qua 1.700 năm, chiếc lược vẫn còn nguyên vẹn.
Dù đã trải qua 1.700 năm, chiếc lược vẫn còn nguyên vẹn. (Ảnh: Internet)
Một trong những phát hiện đáng chú ý khác là một chiếc cốc thủy tinh "chất lượng cao". Theo các nhà nghiên cứu, chiếc cốc này có thể đến từ một pháo đài La Mã gần đó có tên Guntia (nay là Günzburg).
Sau khi khai quật, các hiện vật đã được chuyển đến xưởng phục chế LAD ở Esslingen để phân tích và bảo quản thêm.
Một số đồ tùy táng có giá trị bao gồm đồ gốm và đồ thủy tinh đã được phát hiện bên trong ngôi mộ (Ảnh: Archaeology Magazine)
Người Alemanni, hay còn gọi là người Alamanni, là một liên minh các bộ lạc người Đức cổ đại, sống ở khu vực phía đông của Sông Rhine. Lần đầu tiên được đề cập vào năm 213 CN bởi nhà sử học La Mã Cassius Dio, người Alemanni sinh sống chủ yếu ở tây nam nước Đức, cùng với một số khu vực của Pháp, Thụy Sĩ, Liechtenstein và Áo ngày nay.
Họ nổi bật với các tập tục chôn cất độc đáo, trong đó người chết thường được chôn cùng với nhiều đồ tùy táng quý giá. Ngoài ra, người Alemanni thường có thói quen chôn cất người chết theo nhóm nhỏ, từ 5 đến 12 người. Hội đồng khu vực Stuttgart hy vọng sẽ phát hiện thêm nhiều ngôi mộ trong khu vực phía Nam của địa điểm khai quật, nơi vẫn chưa được khám phá hết.