Phát hiện ngôi mộ niên đại hơn 2.500 năm sở hữu 'công nghệ' chống động đất, đặt trên nền đá cấu trúc kim tự tháp
Ngôi mộ mang hình dáng gần giống một khối lập phương, với kích thước 6x5m.
Theo Amusing Planet, kỹ thuật này được gọi là “cách chấn đáy”, đây là một trong những biện pháp hiệu quả nhất trong việc bảo vệ công trình khỏi động đất, và ngôi mộ  Cyrus ở Pasargadae – thủ đô của đế quốc Achaemenid dưới thời Cyrus Đại đế (559 - 530 TCN) tại Iran là ví dụ sớm nhất của phương pháp này.
Dù Cyrus Đại đế từng trị vì một vương quốc rộng lớn trải dài từ biển Địa Trung Hải đến sông Indus, lăng mộ của ông lại có thiết kế vô cùng đơn giản và khiêm nhường. Ngôi mộ mang hình dáng gần giống một khối lập phương, với kích thước 6x5m. Một cánh cửa nhỏ dẫn vào bên trong hầm mộ và phần mái được xây hình tam giác, tạo nên vẻ ngoài đặc biệt. Gian mộ được đặt trên một nền đá hình kim tự tháp gồm 6 bậc lớn, tạo thành một cấu trúc vững chắc từ những tảng đá lớn.
Phần nền móng của mộ được xây dựng từ nhiều lớp đá vôi . Lớp đầu tiên gồm các tảng đá gắn kết với nhau nhờ hỗn hợp vữa vôi và tro hoặc cát, được mài nhẵn để tăng tính ổn định. Lớp tiếp theo làm từ các tảng đá liên kết bằng thanh kim loại nhưng không gắn chặt với lớp dưới. Thiết kế này cho phép lớp đá phía trên có thể trượt nhẹ trên lớp bên dưới khi có động đất, giúp ngôi mộ đối phó hiệu quả với rung chấn.
Ngôi mộ của Cyrus Đại đế đã đứng vững trước nhiều trận động đất trong suốt 2.500 năm qua. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa xác định được cường độ của các trận động đất này hoặc liệu chúng có đủ mạnh để làm kích hoạt cấu trúc "cách chấn đáy" của ngôi mộ hay không. Đáng chú ý, họ không phát hiện dấu hiệu xê dịch ở các tảng đá hay các lớp nền móng. Đến nay, vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn rằng phần đế kim tự tháp của ngôi mộ thực sự sử dụng thiết kế "cách chấn đáy" để bảo vệ khỏi động đất.
Tuy nhiên, một nghiên cứu chi tiết của Đại học Islamic Azad ở Iran đã đưa ra nhận định rằng hệ thống "cách chấn đáy" trong lăng mộ của Cyrus Đại đế thực sự tồn tại. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng phần mềm để mô phỏng cấu trúc của ngôi mộ và thử nghiệm nó dưới tác động của các trận động đất mạnh.
Sau quá trình mô phỏng, họ đã rút ra kết luận rằng cấu trúc “cách chấn đáy” có khả năng hoạt động hiệu quả, giúp bảo vệ ngôi mộ khỏi rung chấn, cho thấy kỹ thuật này có thể đã được áp dụng từ thời cổ đại.