Như chưa hề có cuộc chia ly: ‘Mẹ ơi, con đã tìm được các em rồi, mẹ yên lòng nhé!’ (P2)
Một đêm ngủ dậy, anh bỗng dưng thấy mình đi cùng một người phụ nữ xa lạ trên xe ca, sau đó, anh bị rao bán ở chợ với giá 2 chỉ vàng.
Chị Lệ vẫn nhớ rõ ngày em Đèo bị bắt cóc từ nhà trọ trước Ga Huế, nhớ cả em mặc bộ quần áo thun có hình ba con chó do chị mua và tên của người phụ nữ đã dẫn em đi.
“Chị nhớ ngày 1/6 Âm lịch là cha dượng chị mất. Chừng 10 hay 15 ngày sau đó, có một người phụ nữ đến ở trọ. Hồi đó, nhà trọ rộng rồi người ta cứ xếp giường liền nhau, ai đến trước thì ở trước chứ đâu có được như bây giờ mỗi người một phòng. Cô đó khai tên là Nguyễn Thị Liên, sáng hôm sau cô rời đi thì cô dắt em chị đi luôn, mà lúc đó chị không có ở nhà, lúc về mới nghe mẹ kể là em bị bắt đi rồi.
Hồi đó mẹ chị dại, báo công an không báo lại đi xem bói, nghe thầy nói là em bị bắt ra Bắc rồi, thế là mấy mẹ con dắt díu nhau đi ra tận Lạng Sơn để tìm em. Hồi nó sinh ra là có 6 ngón tay, vì có ngón tay đèo thêm ra như vậy nên mới gọi là cu Đèo. Hồi nhỏ nó đẹp trai, trắng trẻo lắm!”, chị Lệ kể lại.
Bị rao bán với giá 2 chỉ vàng
Năm anh Phạm Quang Tèo bị mang tới bán ở chợ Quảng Phú, huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk, anh chỉ lớn hơn cậu con út của mình hiện giờ một chút xíu, khoảng 4-5 tuổi.
Vợ anh Tèo chia sẻ: “Lúc bố nó tưởng chắc không nuôi nổi ba đứa con, bố nó kêu ‘sau này mà làm không nổi, anh có chết đi thì cũng ráng nuôi con nha, đừng có bán hay cho con đi, không lại giống bố thì khổ lắm’, thế bà ngoại mới nói ‘ô không nuôi nổi thì bà chống chèo bà nuôi chứ, không có cho đâu mà con cứ lo nghĩ’, bà nói vậy đó”.
Từ Huế lên tới huyện Cư M'Gar là quãng đường dài hơn 650km. Cậu bé tự nhận mình là Tèo, mới 4 tuổi, đã mơ màng tỉnh giấc bên cạnh một người phụ nữ trên xe khách hồi xưa, đậu trước cửa chợ Quảng Phú.
“Khoảng tầm 5-6 giờ sáng, bà bế em ra chợ rồi nói ‘có ai mua không thì bà bán’. Hồi đó em nhớ là bán em khoảng 2 chỉ”, anh Tèo nhớ lại.
Bà con chợ Quảng Phú hồi 34 năm trước đều vẫn còn nhắc chuyện của anh Tèo. Theo lời kể của bà con sinh sống lâu năm ở khu vực này, khi ra thị trấn công an bắt giữ bà bắt cóc, còn anh được ông Thành bán cháo lòng nhận nuôi từ ngày ấy đến giờ.
“Hồi đó bắt được bà kia thì công an gửi Tèo ở nhà anh nuôi đỡ, nhưng sau đó thì không kiếm được gia đình nó”, anh Phạm Văn Tài, anh nuôi của anh Tèo kể lại. “Thời đó ở huyện đây, chính quyền địa phương rồi cơ chế còn lỏng lẻo lắm nên cũng chẳng ai để ý đến, tới bây giờ cơ chế thay đổi nhiều thì để làm lại giấy tờ cho Tèo cực kỳ khó”.
Từ ngày xuất hiện ở huyện Cư M'Gar, Tèo chưa bao giờ bước ra khỏi thị trấn. Anh được ông bà Thành cho đi học mẫu giáo, lên lớp 1 thì bỏ ở nhà chơi và phụ việc cho ông bà, lớn hơn một chút thì phụ người anh nuôi đi làm nương rẫy.
Không ai ngờ, người phụ nữ đã đưa Tèo tới đây lại một lần nữa xuất hiện trong cuộc đời của anh.
18 năm sau khi sinh sống tại huyện Cư M'Gar, anh được báo là người phụ nữ bắt cóc anh đang ở trên công an huyện. Anh chạy lên gặp và bày tỏ mong muốn được gặp lại gia đình mình, nhưng rồi lại được bảo trở về đợi thông tin, cho tới tận bây giờ.
Một cái giấy xác nhận danh tính để tiêm mũi thuốc phòng COVID cũng không có
Không ai nghĩ, chuyện giấy tờ lại trở thành vấn đề chính của anh Tèo trong tương lai.
Vì hiền lành, anh Tèo vẫn gặp may khi lấy được một người vợ tốt. Gia đình quê vợ anh quê gốc ở Quảng Nam, sống ở huyện Cư M'Gar này từ lâu lắm rồi. Hồi hai anh Tèo và chị quen nhau, ông bà nuôi giục cưới ngay vì khi đó ông mắc bệnh nan y giai đoạn cuối, sợ có mệnh hệ gì thì các con sẽ phải chờ hàng năm.
Cầm sổ hộ khẩu ra xã xin cho con cưới, gia đình mới nhận ra rằng tên của Tèo không có cả trong sổ hộ khẩu, lẫn trong danh sách cư dân của công an xã.
Con trai đầu lòng của anh Tèo năm nay đã 17 tuổi, được linh động khai sinh theo họ mà gia đình nuôi cho anh, họ Phạm. Còn hai đứa con sau, giấy khai sinh đều phải mang họ mẹ và bỏ trống tên cha. Anh Tèo vẫn chưa có bất kỳ một giấy chứng nhận làm người hợp pháp nào. Hợp đồng đào giếng thuê đất cũng vợ ký tên. Đến cái xe máy anh cũng không được lái vì không có bằng.
“Trong đợt dịch COVID-19, muốn tiêm thuốc là phải có chứng minh nhân dân, chứ không là người ta không có chịu tiêm. Mình và con đi tiêm về, tự nhiên mình rơi nước mắt, cảm thấy rất thương anh.
Sao mà người ta có đủ thứ còn chồng mình thì chỉ có cái giấy để xác nhận thôi để được tiêm một mũi thuốc mà cũng không có”, chị vợ nghẹn ngào.
“Thằng con lớn nó cũng biết thương bố lắm. Nó còn nói với dì với mẹ là ‘con phải cố đi làm có tiền để giúp bố, chứ bố con không có giấy tờ nhiều người khinh bố con quá’.
Nói chung là ảnh đàn ông mà, nuốt nước mắt vào trong thôi chứ không chịu nói ra đâu”, vợ anh Tèo kể thêm.
Như chưa hề có cuộc chia ly đã từng gặp và giúp rất nhiều trường hợp như anh Đèo, khi mình sống đến từng này tuổi rồi, đã có gia đình và ba đứa con rồi nhưng lại chưa từng có giấy tờ gì để chứng minh mình là một công dân Việt Nam.
Sống không cha không mẹ đã quá lâu và với những ký ức mơ hồ trong tâm trí, anh Tèo dường như đã buông bỏ niềm hy vọng được gặp lại gia đình mình: “Em cũng nghĩ chắc mình chẳng gặp được cha mẹ nữa đâu. Em sợ là sợ mẹ khổ quá nên đã cho mình đi, chứ em không nghĩ mình bị bắt cóc, nhưng nếu em bị đưa đi thật thì mình trách tội cha mẹ mình”.
Ký ức rõ nhất mà anh Tèo còn nhớ được trong những năm tháng sinh sống trên tàu cùng gia đình là việc chị gái kêu cầm lon xin tiền cho chị hát: “Chị đưa nhưng em nhát em không cầm, em đưa lại cho chị thế là chị vừa cầm lon vừa hát luôn. Cái đó là nhớ rõ nhất.
Em cũng còn nhớ tên cha là Sơn, tên mẹ là Tâm, tên chị là Tý, tên anh là Phong, còn một đứa em tên Bi”.
Chị Lệ nhìn em Đèo qua video, nghe em kể tên những người trong gia đình mà phải thốt lên: “Đúng rồi em ơi, đúng là em của chị rồi!”.
Cả chương trình anh Đèo rất mạnh mẽ, dường như muốn cố nén lại những giọt nước mắt nhưng đến khi gặp lại hai chị và em Bi thì anh khóc òa lên như một đứa trẻ. Anh nói anh nghe chuyện của các chị, rất thương chị.
Bốn chị em ôm nhau khóc rất lâu, cứ phải động viên nhau rằng “gặp nhau là tốt rồi em ơi, giờ đỡ khổ rồi...”.
Khán giả xem chương trình cũng vô cùng xúc động trước sự tận tâm của chị Lệ. Mong ước lớn nhất khi chị tìm lại các em của mình đó là cùng các em xây cho ba Sơn một ngôi mộ đẹp và khang trang hơn.
Tháng7/2024, Như chưa hề có cuộc chia ly có:
-15 cuộc tìm ra.
- 1.009 đầu thông tin mới được xử lý.
- 195 hồ sơ tìm kiếm mới được thiết lập.
>> Như chưa hề có cuộc chia ly: ‘Mẹ ơi, con đã tìm được các em rồi, mẹ yên lòng nhé!’ (P1)