Vĩ mô

Những cây cầu sắt sắp 'nghỉ hưu', nhường chỗ cho cầu mới ở TP. HCM

Phúc Lam 03/12/2024 12:45

Nhiều cây cầu sắt hiện đã xuống cấp nghiêm trọng và cần được xây mới để đảm bảo an toàn cho người dân di chuyển qua cầu.

Cầu Rạch Dơi và cầu Rạch Tôm

Trên tuyến đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè (TP.HCM) từng có 4 cây cầu sắt (Rạch Đĩa, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Dơi) được xây dựng trước năm 1975. Hiện nay, hai cây cầu Rạch Tôm, Rạch Dơi đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai xây mới, hai cây cầu còn lại đã thực hiện xây mới xong.

Cầu Rạch Dơi và Rạch Tôm cách nhau khoảng 2km, nằm trên trục đường Lê Văn Lương, kết nối với tỉnh Long An. Hiện nay tình trạng của cầu đã xuống cấp nghiêm trọng và đang được lên kế hoạch xây mới trong 2-4 năm nữa với tổng vốn khoảng 1.300 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của báo Lao Động, hai cây cầu này dù đã xuống cấp nhưng thường xuyên phải gánh chịu mật độ phương tiện cao, lượng xe lưu thông qua cầu liên tục, trong đó có cả những xe tải lớn.

Dự án xây mới hai cây cầu này đã được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đề xuất UBND thành phố đưa vào kế hoạch ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2030.

Những cây cầu sắt sắp 'nghỉ hưu', nhường chỗ cho cầu mới ở TP. HCM
Cầu Rạch Tôm hiện đã xuống cấp - Ảnh: Anh Tú

Thực tế, dự án cầu Rạch Tôm mới đã được Sở GTVT phê duyệt năm 2019 với tổng mức đầu tư gần 497 tỷ đồng. Tuy nhiên do chưa được bố trí đủ vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 và không được bố trí vốn năm 2022 và 2023 nên đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.

Theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM, dự án cầu Rạch Tôm sẽ được bố trí khoảng 260 tỷ đồng giai đoạn 2024-2025 để thực hiện giải phóng mặt bằng. Dự kiến cầu sẽ thông xe vào cuối năm 2026.

Tương tự, chủ trương xây cầu Rạch Dơi mới vẫn chưa được triển khai dù đã được HĐND TP.HCM thông qua từ năm 2016. Nguyên nhân là do chưa cân đối được nguồn vốn.

Cầu Rạch Dơi mới dài khoảng 452m, rộng 15m (phần đường dẫn khoảng 300m, rộng 29m) với tổng vốn đầu tư khoảng 781 tỷ đồng.

Sở GTVT TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM giao nhiệm vụ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để triển khai các bước tiếp theo. Dự kiến cầu Rạch Dơi sẽ hoàn thành và thông xe vào năm 2028.

Những cây cầu sắt sắp 'nghỉ hưu', nhường chỗ cho cầu mới ở TP. HCM
Cầu Rạch Dơi được xây dựng trước năm 1975 - Ảnh: Anh Tú

Cầu Rạch Cát

Cầu Rạch Cát được xây dựng trước năm 1975 và hiện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Cầu Rạch Cát 2 được xây dựng năm 2014 nhằm giảm tải cho cầu Rạch Cát cũ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu giao thông.

Dự án cầu Rạch Cát mới sẽ có điểm đầu tại đường An Dương Vương và điểm cuối tại đường Lưu Hữu Phước với tổng chiều dài hơn 1km. Theo dự kiến, dự án sẽ được khởi công vào năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác vào năm 2028. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.165 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng hơn 750 tỷ đồng.

Những cây cầu sắt sắp 'nghỉ hưu', nhường chỗ cho cầu mới ở TP. HCM

Cầu tạm Rạch Cát 2 - Ảnh: SGGP

Cầu Hiệp Ân 2

Cầu Hiệp Ân 2 được xây dựng bằng sắt, lòng cầu nhỏ hẹp, chỉ vừa đủ 1 ô tô đi qua. Hạng mục xây mới cầu Hiệp Ân 2 thuộc dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi (Quận 8).

Dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi (Quận 8) gồm nhiều hạng mục khác nhau với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Dự án này không chỉ mang lại những lợi ích về môi trường mà còn góp phần cải thiện hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Cầu Hiệp Ân 2 khi được xây mới sẽ có 4 làn xe (2 làn mỗi chiều) và vỉa hè cho người đi bộ, được xây dựng bằng bê tông cốt thép, đảm bảo an toàn cho người dân di chuyển qua cầu.

>>Thành phố xây hơn 60 cây cầu chỉ trong 10 năm ‘bội thu’ vốn đầu tư FDI

Cách người dân TPHCM tiếp cận tàu metro số 1 thuận lợi nhất

Từ 1/1/2025, CSGT được sử dụng vũ lực, vũ khí để ngăn chặn hành vi vi phạm giao thông trong một số trường hợp

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhung-cay-cau-sat-sap-nghi-huu-nhuong-cho-cho-cau-moi-o-tp-hcm-263516.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Những cây cầu sắt sắp 'nghỉ hưu', nhường chỗ cho cầu mới ở TP. HCM
    POWERED BY ONECMS & INTECH