Niềm tin tan vỡ: Gã khổng lồ Zhongrong sụp đổ, hơn 30.000 người giàu Trung Quốc mắc kẹt
Sự sụp đổ của Zhongrong International Trust Co. không chỉ làm bốc hơi hàng trăm tỷ nhân dân tệ, mà còn giáng một đòn mạnh vào niềm tin của các nhà đầu từ thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có tại Trung Quốc.
Hơn một năm sau sự sụp đổ của Zhongrong International Trust Co. — một trong những công ty tín thác lớn nhất Trung Quốc — hy vọng phục hồi của ngành công nghiệp trị giá 3.700 tỷ USD này đang dần phai nhạt.
Zhongrong từng quản lý khoảng 108 tỷ USD vào năm 2022, đã bị tuyên bố mất khả năng thanh toán sau khi chịu thiệt hại nặng nề từ các khoản đầu tư bất động sản và tài sản tài chính khác. Theo Financial Times, công ty đã nộp đề xuất giải thể lên cơ quan quản lý sau khi được tiếp quản bởi các đơn vị giám sát do nhà nước chỉ định.

Các công ty tín thác ở Trung Quốc thường huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức giàu có, sau đó phân bổ vào cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản rủi ro khác — bao gồm cả các khoản vay dành cho doanh nghiệp không đủ điều kiện vay từ hệ thống ngân hàng truyền thống.
Đây được xem là tín hiệu mới nhất cho thấy những khó khăn kéo dài trong hệ thống các định chế tài chính ngầm (shadow banking ) của Trung Quốc — đồng thời phản ánh sự thận trọng của chính quyền Bắc Kinh trong việc cứu trợ các nhà đầu tư cá nhân giàu có.
Dù những rủi ro hiện tại chưa dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn, ngành tín thác đang đối mặt với sự mất niềm tin sâu sắc từ tầng lớp tiêu dùng cao cấp — nhóm mà Chính phủ Trung Quốc đang kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa giữa bối cảnh tăng trưởng chậm lại và căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng.
“Niềm tin vào hệ thống của nhiều người trong giới tinh hoa Trung Quốc đã bị phá vỡ,” ông Henry Zhang — một nhà đầu tư cá nhân cho biết, sau khi ông mất 16 triệu nhân dân tệ (khoảng 2,2 triệu USD) từ các sản phẩm tín thác. Ông đang cân nhắc bán ngôi nhà của gia đình mình tại Bắc Kinh để chuyển sang căn hộ nhỏ hơn nhằm xoay xở tài chính.
Theo BNN, ngành tài chính tín thác của Trung Quốc từng đạt đỉnh vào năm 2017, với lợi nhuận gộp lên tới 82,4 tỷ nhân dân tệ, thời điểm các nhà chức trách bắt đầu siết chặt các quy định trong lĩnh vực quản lý tài sản.
Tuy nhiên, lợi nhuận đã sụt giảm mạnh trong những năm gần đây do làn sóng vỡ nợ gia tăng, xuất phát từ suy thoái bất động sản và những khó khăn trong việc tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Trong nửa đầu năm 2024, thu nhập của ngành giảm 41% so với cùng kỳ, xuống còn 19,6 tỷ nhân dân tệ, theo số liệu từ Hiệp hội Ủy thác Trung Quốc.
Tình hình càng thêm nghiêm trọng khi làn sóng vỡ nợ lan rộng. Tính từ đầu năm 2024, ít nhất 162 sản phẩm tín thác có lãi suất cao đã vỡ nợ, chủ yếu liên quan đến các khoản vay bất động sản không còn khả năng thanh toán, theo dữ liệu từ Use Trust. Theo công ty luật Dacheng Law Offices, tổng giá trị tài sản có nguy cơ vỡ nợ trong ngành hiện vượt 600 tỷ nhân dân tệ.
Cuối năm 2023, khi công ty mẹ của Zhongrong là Zhongzhi Enterprise Group Co. tuyên bố phá sản , các nhà phân tích dự đoán hơn 75% vốn đầu tư có thể bị mất trắng.
Zhongrong được cho là đã vỡ nợ khoảng 250 tỷ nhân dân tệ từ các sản phẩm tín thác, được bán cho hơn 30.000 cá nhân và 2.000 tổ chức, theo lời các giám đốc điều hành công ty được nhà đầu tư dẫn lại. Nhà đầu tư Henry Zhang cho biết ông vẫn chưa thu hồi được bất kỳ khoản tiền nào.
Bất chấp những nỗ lực của chính quyền nhằm ổn định thị trường bất động sản, cho đến nay vẫn có rất ít tín hiệu cho thấy chính phủ sẽ can thiệp để hỗ trợ các nhà đầu tư vào sản phẩm tín thác. Điều này khiến nhiều người rơi vào tình cảnh không thể tiếp cận khoản tiền đã đầu tư.
Tuần trước, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã công bố dự thảo sửa đổi quy định đối với ngành tín thác. Theo đó, người mua phải tự chịu rủi ro tổn thất, trong khi bên phát hành chỉ phải bồi thường nếu có hành vi vi phạm nghĩa vụ pháp lý.
“Khó chồng thêm khó”
Các công ty tín thác hiện đang loay hoay tìm lối đi mới khi vai trò truyền thống của họ — là kênh tài trợ cho các nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương — dần đi vào ngõ cụt. Nhiều công ty, như Tianjin Trust Co., liên tục thất bại trong việc tìm nhà đầu tư mới thông qua các phiên đấu giá cổ phần.
Sự suy giảm của ngành tín thác đang tạo thêm áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã chao đảo vì căng thẳng thương mại với Mỹ và nhu cầu tiêu dùng nội địa ảm đạm.

Với nhiều nhà đầu tư, cơn ác mộng bắt đầu từ một ngày định mệnh. Victoria Shen, một doanh nhân điều hành công ty công nghệ, nhớ rõ thời điểm ngày 8/8/2023. Khi đang cùng gia đình đến một đồn cảnh sát ở Bắc Kinh để hoàn tất thủ tục cư trú, cô nhận được cuộc gọi từ cố vấn tài chính của mình tại Zhongrong — mang theo một tin xấu.
Trước đó không lâu, cô Shen đã đầu tư thêm khoảng 18 triệu nhân dân tệ vào sản phẩm của Zhongrong. Dù lợi suất 5,3% không quá hấp dẫn, cô tin tưởng vào danh tiếng của một công ty có hậu thuẫn từ doanh nghiệp nhà nước và được biết đến với năng lực quản lý rủi ro.
“Các sản phẩm ngắn hạn rất được săn đón. Bạn phải hành động nhanh nếu không sẽ bị người khác mua trước,” cô kể. Tuy nhiên, khi thông tin vỡ nợ lan truyền, cảm xúc đầu tiên của cô là sự bàng hoàng: “Bao nhiêu tiền tích góp của tôi đã mất sạch”.
Câu chuyện của cô Shen không phải cá biệt. Phần lớn các nhà đầu tư khác của Zhongrong là các chủ doanh nghiệp tư nhân. Anh Steven Wang, chủ một công ty thiết kế tại Bắc Kinh, đã rót 160 triệu nhân dân tệ vào công ty tín thác này. Anh cho biết, nhiều doanh nghiệp trong cộng đồng nhà đầu tư đang đứng trước nguy cơ phá sản, cho thấy mức độ lan tỏa của khủng hoảng.
“Không chỉ là chuyện tài chính của một gia đình hay cá nhân,” anh Wang chia sẻ. “Khi mọi người không còn dám huy động vốn hay đầu tư, thị trường sẽ không thể vận hành. Vấn đề không phải là chúng tôi có tiền hay không — mà là niềm tin đã tan biến.”
Cuộc khủng hoảng niềm tin
Dù không được niêm yết trên sàn chứng khoán và không có các khoản nợ công, khả năng Zhongrong phải đóng cửa cùng quá trình phá sản kéo dài đang dập tắt hy vọng thu hồi vốn của hàng chục nghìn nhà đầu tư giàu có.
Với Michael Ding, một kỹ thuật viên cải tạo đất sống tại thành phố Weifang, tỉnh Sơn Đông, những khoản đầu tư bị mắc kẹt đã khiến cuộc sống anh đảo lộn. Ở tuổi ngoài 30, Ding đã đổ vào các sản phẩm của Zhongrong và công ty mẹ Zhongzhi khoảng 6,2 triệu nhân dân tệ kể từ năm 2021 — bao gồm tiền tiết kiệm, thu nhập từ cho thuê bất động sản và cả quà mừng cưới. Giờ đây, anh không thể tiếp cận bất kỳ khoản tiền nào trong số đó.
Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi các cửa hàng mặt tiền trung tâm mà anh sở hữu — ước tính trị giá hàng chục triệu nhân dân tệ — bị chính quyền địa phương phong tỏa. Sự việc xảy ra sau khi anh từ chối bán bất động sản với mức giá chỉ bằng một phần mười giá thị trường. Ding cho biết tranh chấp này, kết hợp với khoản đầu tư thua lỗ, đã khiến anh không thể tiếp tục công việc.
“Tôi đã mất hết mọi nguồn thu nhập,” Ding chia sẻ. “Người thuê đã bỏ đi, họ không trả tiền nữa. Sau tất cả những chuyện này, làm sao tôi có thể tiếp tục tin tưởng vào chính phủ?”
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với Lee Li, một nhân viên tại công ty quản lý tài sản địa phương. Những đêm mất ngủ triền miên khiến anh giảm hơn 25 kg chỉ trong sáu tháng. Áp lực tài chính cùng lo âu kéo dài đã buộc gia đình anh phải cắt giảm chi tiêu, ngừng đi du lịch và tránh xa các khoản đầu tư rủi ro.
Trước đó, anh Lee từng đầu tư khoảng 17 triệu nhân dân tệ vào các sản phẩm tín thác. Giờ đây, anh chỉ mong có thể thu hồi được phần nào trong số tiền đó.
“Nếu tôi có thể lấy lại được bất kỳ khoản nào, tôi sẽ gửi hết vào ngân hàng,” anh Lee nói. “Tôi không muốn dính đến rủi ro thêm nữa”.
Tham khảo BNN, Financial Times