Thế giới

Nỗi lo của Trung Quốc khi Tổng thống Mỹ Trump thương lượng với Nga

Bình Giang - Theo CNN, Bloomberg 22/02/2025 07:20

Đối với Trung Quốc, cuộc xung đột Nga – Ukraine khi chấm dứt sẽ mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng có thể đi kèm mối đe dọa lớn: Bắc Kinh sẽ trở thành mục tiêu chính của Washington.

Nỗi lo của Trung Quốc khi Tổng thống Mỹ Trump thương lượng với Nga ảnh 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Xinhua)

Chỉ vài tuần trước, Trung Quốc dường như sẵn sàng đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm đạt được hòa bình ở Ukraine.

Nhà lãnh đạo Mỹ nhiều lần gợi ý rằng ông có thể hợp tác với ông Tập, dùng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc với Nga để chấm dứt cuộc xung đột. Đây có thể đòn bẩy quan trọng đối với Bắc Kinh khi nước này nỗ lực ngăn chặn chiến tranh thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều đó cũng phù hợp với những nỗ lực lâu nay của Trung Quốc nhằm thể hiện vai trò trung lập và nói lên tiếng nói của Nam Bán cầu.

Tuy nhiên, Mỹ và Nga nhanh chóng tiến hành cuộc đàm phán ở Ả-rập Xê-út, để bàn cách tiến tới chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 3 năm qua ở Ukraine.

Đến giờ Bắc Kinh vẫn đứng ngoài những diễn biến nhanh chóng mà nước này có thể cũng bị bất ngờ, và nay đang loay hoay tìm lợi thế của mình.

Trong nhiều năm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vun đắp mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Nga Vladimir Putin và quan hệ với quốc gia láng giềng phía bắc, để cạnh tranh ảnh hưởng với phương Tây.

Bắc Kinh chấp nhận rủi ro khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine cách đây 3 năm, không chỉ trích Mátxcơva và đóng vai trò là đường dây cứu sinh của Nga, bằng cách mua dầu mỏ và cung cấp cho Nga những mặt hàng quan trọng. Điều này khiến châu Âu mất lòng tin và thúc đẩy các đồng minh của Mỹ ở châu Á hợp tác chặt chẽ hơn với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ nỗ lực của Mỹ và Nga nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình. "Trung Quốc ủng hộ mọi nỗ lực có lợi cho cuộc đàm phán hòa bình", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 18/2, cùng ngày các quan chức cấp cao của Nga và Mỹ gặp nhau tại Ả-rập Xê-út.

Các nhà quan sát nghi ngờ khả năng Washington có thể phá vỡ mối quan hệ Nga - Trung, trong bối cảnh hai nước này đang liên kết chặt chẽ để cạnh tranh với vai trò của Mỹ trong các vấn đề quốc tế và Nga vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, dù hai bên không phải không còn ngờ vực từ những chuyện trong quá khứ.

Trong những năm 70 của thế kỷ trước, Tổng thống Mỹ Richard Nixon và cố vấn Henry Kissinger thời điểm đó đã lợi dụng sự chia rẽ giữa Liên Xô và Trung Quốc bằng cách thiết lập quan hệ với Bắc Kinh, làm xoay chuyển cán cân quyền lực trong Chiến tranh Lạnh theo hướng có lợi cho Mỹ.

Dù lịch sử đó khó có thể lặp lại, nhưng các nhà quan sát cho rằng lợi ích quốc gia vẫn là mục tiêu của Washington.

Nếu ông Trump không thể trực tiếp đàm phán với ông Putin, Bắc Kinh có thể đã cố gắng xoa dịu Mỹ bằng cách thuyết phục Nga ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng đến nay, chưa rõ Trung Quốc có thể đóng vai trò gì trong các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine trong tương lai.

Theo giới quan sát, Bắc Kinh có thể cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine thông qua Liên Hợp Quốc và sẽ rất muốn tham gia quá trình tái thiết nước này.

Nỗi lo của Trung Quốc khi Tổng thống Mỹ Trump thương lượng với Nga ảnh 2
Lính Ukraine khai hỏa D-30 ở chiến trường Zaporizhzhia ngày 11/1. (Ảnh: Reuters)

Trở thành mục tiêu

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc lo ngại Mỹ sau khi ổn định quan hệ với Nga sẽ dồn nguồn lực để đối phó với Bắc Kinh.

Phát biểu từ nhiều người xung quanh ông Trump, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth và con trai cả Donald Trump Jr., cho thấy Mỹ muốn tập trung phần lớn nguồn lực quân sự của họ để chống lại Trung Quốc.

"Trung Quốc đang rơi vào tình thế khó. Họ muốn xung đột chấm dứt, nhưng họ không muốn trở thành mục tiêu số 1 của Mỹ”, GS John Gong, công tác tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế quốc tế ở Bắc Kinh, người từng làm cố vấn cho Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn tránh mọi hành động có thể khiêu khích ông Trump, chỉ đáp trả việc ông áp mức thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc bằng hành động vừa phải và không còn dùng kiểu ngoại giao "chiến lang” như trước đây.

Trong chính quyền Mỹ hiện nay có nhiều người cứng rắn với Trung Quốc, trong đó có Đại diện Thương mại Jamieson Greer và Ngoại trưởng Marco Rubio. Trong dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ sẽ có lập trường cứng rắn hơn ở châu Á, Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây xóa bỏ cụm từ Mỹ “không ủng hộ Đài Loan độc lập” khỏi tài liệu cơ bản của họ.

Chưa biết đây có phải hành động cố ý hay không, khi Mỹ vẫn khẳng định họ ủng hộ chính sách "một Trung Quốc". Đài Loan (Trung Quốc) đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến mới nhất, nhất là sau khi ông Trump cảnh báo Tổng thống Volodymyr Zelensky phải hành động nhanh nếu không sẽ mất nước.

Một nhà ngoại giao ở Đài Bắc nói rằng dù quan hệ Nga – Mỹ sẽ cải thiện, điều quan trọng nhất đối với Đài Bắc là phải chứng minh giá trị của mình với ông Trump.

Dù không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sắp “động binh” với hòn đảo, sự thay đổi lập trường từ bên ủng hộ lớn nhất Đài Bắc có thể khiến hòn đảo này dễ bị tổn thương hơn trước các chiến dịch gây sức ép từ đại lục.

>> Ông Trump tuyên bố có thể đạt thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc, tiết lộ mối quan hệ với Chủ tịch Tập Cận Bình

Nhà máy niken 3 tỷ USD đối mặt nguy cơ đóng cửa vì công ty mẹ ở Trung Quốc vỡ nợ

Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật ngoài khơi Australia

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/noi-lo-cua-trung-quoc-khi-tong-thong-my-trump-thuong-luong-voi-nga-post1719047.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nỗi lo của Trung Quốc khi Tổng thống Mỹ Trump thương lượng với Nga
    POWERED BY ONECMS & INTECH