Nông sản Việt rộng đường xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Cùng với Trung Quốc, Hoa Kỳ được xem là thị trường xuất khẩu nông sản lớn và đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Các giải pháp thúc đẩy thương mại nông sản với Hoa Kỳ được Bộ NN&PTNT hết sức chú trọng.
Cơ hội xuất khẩu cho nhiều nông sản
Theo Bộ NN&PTNT, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu nông sản  rất quan trọng của Việt Nam. Xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2023 đạt 10,96 tỉ USD, chiếm 20,7 % tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra toàn thế giới.
Nhằm tìm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Đoàn thăm và hiện đang có nhiều cuộc tiếp xúc tại Hoa Kỳ. Tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ mới đây, hai bên đã thống nhất về yêu cầu kỹ thuật đối với chanh dây của Việt Nam.
Hoa Kỳ cũng khởi động quy trình xem xét đối với sản phẩm mới của Việt Nam bao gồm: chanh không hạt, ổi, mít. Đồng thời, thống nhất danh sách dịch hại và các bước tiếp theo trong quy trình xem xét đối với quả quýt, mận, chanh vàng, lựu và một số sản phẩm khác để làm giống cây trồng của phía Hoa Kỳ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Hafemeister cho biết, Hoa Kỳ chưa từng có quan hệ hợp tác chặt chẽ như vậy đối với bất kỳ đối tác nào tại khu vực; đồng thời cam kết sẽ củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác kỹ thuật, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý hai nước trong kiểm soát dịch hại, phân tích nguy cơ và nghiên cứu phát triển, áp dụng các sáng kiến mới, cải tiến giống cây trồng.
Tăng cường hỗ trợ đôi bên
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ đang diễn ra, Bộ NN&PTNT cũng đã có buổi làm việc với Cơ quan Kiểm dịch Động Thực vật Hoa Kỳ. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung đã nghe Cơ quan Kiểm dịch Động Thực vật Hoa Kỳ và Cục Bảo vệ thực vật báo cáo kết quả phiên họp kỹ thuật năm 2024 giữa hai bên.
Thứ trưởng Hoàng Trung ghi nhận nỗ lực và đánh giá cao kết quả mà hai bên đạt được trong việc cải thiện khả năng tiếp cận thị trường sản phẩm thực vật giữa hai nước bằng việc đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa biện pháp xử lý bổ sung trong quản lý sâu hại.
Về biện pháp xử lý bổ sung và cải tiến quy trình kiểm dịch thực vật, phía Hoa Kỳ cũng đã ghi nhận các đề xuất của Việt Nam về đa dạng hóa các biện pháp kiểm dịch thực vật như xử lý hơi nước nóng, xử lý Methyl Bromide và xử lý lạnh nhằm giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hai nước.
Bộ NN&PTNT và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã nhất trí triển khai biện pháp phun khử trùng hàng khô trong công-ten-nơ tại cảng nhập khẩu. Phía Hoa Kỳ cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam để chuyển đổi sang sử dụng chứng thư kiểm dịch thực vật điện tử (ePhyto). Những kết quả này hứa hẹn sẽ giúp củng cố và nâng cao kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản giữa hai nước trong thời gian tới.
Để hỗ trợ việc duy trì đà tăng trưởng và thị phần của nông sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung bày tỏ mong muốn Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ có tiếng nói thích hợp trong quá trình tham vấn liên quan đến các vụ việc về phòng vệ thương mại với các nông sản của Việt Nam, cụ thể là đối với gỗ, tôm nước ấm và mật ong của nước ta.
Liên quan đến việc áp dụng các biện pháp mới áp dụng trong lĩnh vực kiểm dịch động thực vật, Bộ NN&PTNT và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã trao đổi, thống nhất với nguyên tắc chung về việc tuân thủ cam kết quốc tế thương mại đa phương mà hai bên là thành viên, phù hợp với pháp luật trong nước nhưng vẫn cập nhật kịp thời các xu thế mới trong thương mại, sản xuất và quản lý dịch bệnh đối động thực vật.
>> Xuất khẩu nông sản trước những quy định mới của EU 
Người Mỹ bung tiền mua nông sản Việt, có mặt hàng thu thêm cả tỷ USD 
Thương mại nông sản Việt Nam – Trung Quốc nhiều cơ hội mở rộng