Nộp ngân sách tới 10.000 tỷ đồng, công ty nào của Hòa Phát đóng góp nhiều nhất?
Dù nhu cầu thị trường trong nước còn yếu, sức ép từ hàng nhập khẩu cũng như thiệt hại bởi bão lũ, nhưng Hoà Phát của tỷ phú Trần Đình Long vẫn nộp ngân sách 'khủng' trong 9 tháng đầu năm.
Thông tin từ Tập đoàn Hoà Phát  cho thấy, sau 9 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát vẫn nộp vào ngân sách nhà nước 10.000 tỷ đồng, tăng tới 65% so với cùng kỳ năm trước.
Số thu này đạt được trong bối cảnh thị trường thép thế giới còn nhiều khó khăn, cầu thị trường trong nước còn yếu, các công ty thành viên của Hòa Phát tại khu vực phía Bắc bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ.
Một số công ty thành viên của Tập đoàn Hòa Phát có số nộp lớn cho ngân sách nhà nước gồm: Ống thép Hòa Phát, Điện lạnh Hòa Phát, Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát, Thép Hòa Phát Hưng Yên, Tôn Hòa Phát...
Đáng chú ý, trong 9 tháng qua, tổng số nộp thuế, phí các loại của Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất bao gồm thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, thuế xuất nhập khẩu, thuế nội địa... đạt gần 7.500 tỷ đồng và là công ty đóng góp nhiều nhất trong số các thành viên của Tập đoàn Hòa Phát.
Cuối năm nay, dự kiến số nộp ngân sách của Tập đoàn Hòa Phát là hơn 15.000 tỷ đồng. Khi Dung Quất 2 hoàn thành việc đầu tư xây dựng tiếp phân kỳ II, số nộp ngân sách năm 2025 của Hòa Phát dự kiến trên 20.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Hòa Phát đang hoạt động và đóng góp ngân sách nhà nước tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tính từ năm 2007, thời điểm khi bắt đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán đến 30/6/2024, tập đoàn này đã nộp trên 81.600 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Theo báo cáo của tập đoàn này, sản lượng thép cuộn cán nóng quý II/2024 giảm 10% so với Quý I/2024 đến từ những khó khăn trong tiêu thụ tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu giá thấp tràn vào thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 tăng mạnh (6 triệu tấn, tăng gấp rưỡi cùng kỳ 2023 và vượt mức tăng trưởng toàn thị trường) gây nên sức ép lớn cho việc tiêu thụ thép cuộn cán nóng của Hòa Phát tại thị trường nội địa.
Cùng với đó giá HRC tại thị trường Việt Nam tuy có tăng lên một nhịp ngắn trong tháng 2/2024 nhưng đã giảm liên tục từ tháng 3 đến hết Quý II/2024. Thị trường xuất khẩu cũng có nhiều thử thách đến từ tình trạng dư thừa thép cuộn cán nóng cũng như việc tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại tại các quốc gia nhập khẩu.
Như vậy tiêu thụ thép xây dựng là động lực giúp tăng trưởng doanh thu của Hòa Phát trong quý II, bù đắp lại sự sụt giảm doanh thu của mặt hàng HRC.
>>Hòa Phát (HPG) đóng góp 10.000 tỷ đồng vào ngân sách trong 9 tháng, vượt xa con số cả năm 2023