Nord Stream 1, 2 cùng gặp sự cố áp suất, nghi bị ‘tấn công có mục đích’

27-09-2022 15:40|Minh Ý

Theo nhà điều hành đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), áp suất trong đường ống đã giảm đột ngột trong đêm, nhiều khả năng do bị rò rỉ khí ra biển Baltic. Đáng chú ý, đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) cũng gặp sự cố áp suất giảm đột ngột không lâu sau đó, khiến phía Berlin nghi ngờ đây là vụ “tấn công có chủ đích”.

Theo các phương tiện tuyền thông đưa tin sáng 27/9, áp suất trong đường ống dẫn khí đốt dưới biển Nord Stream 2 đã giảm từ 300 xuống 7 bar trong đêm không rõ nguyên nhân.

“Tình huống khẩn cấp trên đường ống A của Dòng chảy phương Bắc 2 đã xảy ra vào tối nay (25/9 theo giờ địa phương), khi bộ điều khiển địa điểm trên bờ của đường ống ghi nhận áp suất giảm mạnh ở tuyến A”, phát ngôn viên của Nord Stream 2 AG tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng “các tuyến dọc bờ biển Baltic của đường ống như Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan và Nga đã được thông báo ngay lập tức về tình trạng sự cố.”

Mặc dù phía nhà điều hành đường ống chưa đưa ra nguyên nhân tụt áp suất bất ngờ, nhưng Cơ quan năng lượng Đan Mạch đã đưa ra thông báo về việc Dòng chảy phương Bắc 2 bị tụt áp suất do rò rỉ khí, đồng thời ban hành cảnh báo hàng hải và yêu cầu các tàu tránh xa bán kính 5 hải lý ngoài khơi đảo Bornholm.

Đáng chú ý, không lâu sau khi Dòng chảy phương Bắc 2 gặp sự cố tụt áp suất, đến chiều 26/9 (giờ địa phương), đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, vốn đang bị tạm ngưng hoạt động, cũng gặp sự cố tương tự trên cả hai đường ống dẫn khí.

"Nguyên nhân đang được điều tra", nhà điều hành Nord Stream AG thông báo ngắn gọn trên trang web của công ty.

Các đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 & 2 là một trong những tâm điểm trong cuộc chiến năng lượng leo thang giữa châu Âu và Moscow kể từ khi chiến sự tại Ukraine xảy ra vào tháng 2, gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế lớn của phương Tây và khiến giá khí đốt tăng vọt.

Chủ tịch cơ quan quản lý mạng Đức, Klaus Mueller, cho biết trên Twitter rằng việc giảm áp suất ở cả hai đường ống "khẳng định đánh giá của cơ quan quản lý mạng Đức rằng tình hình đang căng thẳng".

Phía Berlin cũng cho biết đang điều tra nguyên nhân gây sụt giảm áp suất tại các đường ống dẫn khí chính và nhấn mạnh sự kiện này không ảnh hưởng đến an ninh nguồn cung ở Đức, vì mức dự trữ khí đốt của nước này vào khoảng 91%.

Tuy nhiên, Berlin tin rằng sự cố này là một sự trùng hợp và nghi ngờ đây là "cuộc tấn công có chủ đích" do Nga hoặc Ukraine gây ra, tờ Tagesspiegel đưa tin vào tối 26/9.

Theo Tagesspiegel, chính phủ Đức và các cơ quan điều tra vụ việc “không thể tưởng tượng được một kịch bản nào khác ngoài việc tấn công có chủ đích. Mọi thứ xảy ra không giống một sự trùng hợp”.

Phương tiện truyền thông này đưa tin Đức được cho là đang xem xét hai kịch bản có thể xảy ra: Hoặc do Ukraine và các lực lượng liên kết gây ra, hoặc đây là một “nước cờ sai” của Moscow nhằm đổ tội cho Kiev và đẩy giá năng lượng EU lên cao hơn nữa.

Dòng chảy phương Bắc 1 được xây dựng vào năm 2011 và cho tới nay là một trong những đường ống dẫn khí chính vận chuyển khí đốt từ Nga xuyên qua biển Baltic tới châu Âu. Để tăng gấp đôi năng suất của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, hệ thống đường ống thứ 2 đã được xây dựng năm 2018 và hoàn thành vào tháng 9/2021.

Tuy nhiên, Dòng chảy phương Bắc 2 cuối cùng đã bị từ chối đưa vào hoạt động khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang và cuối cùng trở thành cuộc chiến quân sự.

Gần đây, khi đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 bị tạm ngưng hoạt động từ cuối tháng 8, nhiều chính trị gia Đức đã tạo sức ép buộc chính phủ thay đổi lập trường và tận dụng đường ống có công suất hàng năm 55 tỷ m3 để giúp Berlin đối phó với tình trạng thiếu năng lượng.

Đức: 3.000 người biểu tình yêu cầu mở Dòng chảy phương Bắc 2, dỡ trừng phạt Nga

Theo vietnamfinance.vn
https://chatluongvacuocsong.vn/nord-stream-1-2-cung-gap-su-co-ap-suat-nghi-bi-tan-cong-co-muc-dich-d99991.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nord Stream 1, 2 cùng gặp sự cố áp suất, nghi bị ‘tấn công có mục đích’
    POWERED BY ONECMS & INTECH