Nữ nhà báo đầu tiên của nền báo chí Việt Nam, từng được Google vinh danh
Không chỉ là nữ chủ bút đầu tiên của làng báo mà số phận hồng nhan bạc mệnh đầy đau thương của bà đã khiến nhiều người xúc động.
Nói đến báo chí Việt Nam  thời kỳ đầu, bên cạnh những cây bút gạo cội như nhà báo Việt Nam đầu tiên - Trương Vĩnh Ký hay người có nhiều bút danh nhất - Chủ tịch Hồ Chí Minh  thì nhà báo Sương Nguyệt Anh cũng thường xuyên được nhắc đến.
Bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê, sinh ngày 1/2/1864, tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ngoài bút danh Sương Nguyệt Anh, bà còn ký nhiều bút danh khác như Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh...
Ngay từ thuở nhỏ, bà cùng người chị tên là Nguyễn Thị Xuyến được cha - nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu  dạy dỗ nên giỏi cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Khi cả hai khôn lớn, nổi tiếng tài sắc, được người quanh vùng ca tụng gọi là Nhị Kiều.
Sau này, bà kết hôn với một Phó Tổng sở tại, năm con gái được 2 tuổi thì chồng bà mất. Từ đó bà thủ tiết nuôi con, thờ chồng và mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng để sinh sống. Và cũng từ đó, bà thêm trước bút hiệu Nguyệt Anh một chữ "Sương", thành "Sương Nguyệt Anh", có nghĩa là "Góa phụ Nguyệt Anh".
Theo học với cha từ nhỏ, bà được giáo dục tinh thần yêu nước, thương dân từ sớm. Những năm 1906-1908, hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du, bà bán ruộng vườn để giúp học sinh xuất dương du học. Từ đó, tiếng tăm của bà càng được nhiều người biết đến.
Năm 1917, Sương Nguyệt Anh được một nhóm chí sĩ ái quốc tại Sài Gòn mời làm chủ bút tờ Nữ giới chung (nghĩa là tiếng chuông của nữ giới). Đây là tờ báo đầu tiên dành cho phụ nữ Việt Nam, do một phụ nữ tài danh điều hành.
Nữ giới chung được xuất bản tại Sài Gòn vào tháng 2/1918. Tuần báo phát hành định kỳ hàng tuần vào thứ Sáu, mỗi số có 18 trang nội dung và 8 trang dành cho quảng cáo. Tòa soạn đặt ở số 15 đường Tabert, nay là đường Nguyễn Du, TP. HCM.
Trong thời gian này, Sương Nguyệt Anh cùng nhiều cộng sự đặt chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Trong số đầu tiên, bà nói rõ mục đích của tờ báo là truyền bá chữ quốc ngữ, nâng cao luân lý, dạy cách sống hàng ngày, chú trọng đến thương mại và tiểu công nghệ...
Theo sách Lịch sử báo chí Việt Nam của Huỳnh Văn Tòng (1973), sự xuất hiện của Nữ giới chung là một biến cố quan trọng với dân chúng lúc bấy giờ, đặc biệt đối với phụ nữ Việt Nam. Tuần báo này, theo dư luận của một số nữ độc giả, mang lại ít nhiều biến đổi mới mẻ trong đời sống tinh thần và vật chất của phụ nữ Việt Nam, vốn bị ràng buộc trong những nguyên tắc cứng nhắc của Khổng Mạnh.
Ngoài ra, báo cũng đăng những bài thơ khuyên thanh niên Việt Nam không nên đi lính cho Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), trong đó có bài Chinh Phụ thi của Sương Nguyệt Anh.
Vì thế, Nữ giới chung sớm bị Pháp chú ý. Ngày 19/7/1918, chính quyền thực dân Pháp đã ra lệnh đóng cửa tờ báo.
Đầu năm 1919, Sương Nguyệt Anh rời Sài Gòn về Ba Tri, Bến Tre, ở với em trai út. Lúc này, dù sức khỏe yếu, lại bị mù giống cha, bà vẫn tiếp tục dạy học. Bà qua đời năm 1921, thọ 57 tuổi, được chôn cất gần cha mẹ.
102 năm sau khi bà qua đời, ngày 1/2/2023, trang chủ của Google tại Việt Nam đã tôn vinh bà Sương Nguyệt Anh nhân dịp kỷ niệm 105 năm phát hành báo Nữ giới chung.