Bác sĩ duy nhất xin nghỉ chức Thứ trưởng Bộ Y tế: 35 tuổi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng, trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh
Suốt cuộc đời gắn bó và cống hiến cho nền y học Việt Nam, ông đã để lại 123 công trình khoa học có giá trị.
Giáo sư , bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912-1982), quê gốc Thanh Hoá, lớn lên ở Huế. Xuất thân từ gia đình quý tộc nhà Nguyễn  nhưng ông không theo nghiệp học làm quan.
Năm 1931, ông ra Hà Nội theo học trường Trung học Bảo Hộ (tức trường Bưởi - trường THPT Chu Văn An  ngày nay). Năm 1935, ông học tại trường Y Dược toàn cấp Đông Dương, một trường thành viên của Viện Đại học Đông Dương. Trường có quan niệm nghề y là nghề "tự do", không phân biệt giai cấp.
Sau khi Cách mạng tháng Tám  1945 thành công, ông được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh .
Năm 1947, Chính phủ cử bác sĩ Tôn Thất Tùng giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế khi mới 35 tuổi. Ông giữ chức vụ này trong 14 năm, tới năm 1961.
Từ sau ngày hòa bình lập lại, trở về Hà Nội năm 1954, để tập trung khả năng vào công tác khoa học - kỹ thuật, ông được cử làm Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Chủ nhiệm bộ môn Ngoại trường Đại học Y khoa Hà Nội. Vì thế, ông đã xin nghỉ chức Thứ trưởng để làm Giám đốc bệnh viện và nghiên cứu khoa học.
Giáo sư Tôn Thất Tùng là nhà khoa học làm rạng rỡ nền Y học Việt Nam trên thế giới với “Phương pháp mổ gan khô" hay còn được gọi "Phương pháp Tôn Thất Tùng” được công bố năm 1960.
Để có được thành tựu này, Giáo sư thực hiện và nghiên cứu trong suốt 38 năm, được quốc tế công nhận là phương pháp cắt gan có quy phạm và kinh điển, nhiều nước tiên tiến áp dụng. Phương pháp này được đưa vào "Bách khoa thư Nội thương - Phẫu thuật" của Pháp và in trong "Chọn lọc các Tài liệu sản khoa và phẫu thuật" của Mỹ. Ngoài ra, ông còn có công trình nghiên cứu nổi tiếng về hậu quả lâu dài trên con người của chất độc da cam dioxin năm 1969.
Suốt cuộc đời mình, Giáo sư Tôn Thất Tùng gắn bó với bệnh viện, với các đồng nghiệp, các học trò và bệnh nhân của mình. Làm việc không biết mệt mỏi cho đến tận cuối đời, ông để lại 123 công trình khoa học giá trị.
Với những công lao và cống hiến to lớn đối với đất nước, Giáo sư Tôn Thất Tùng được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, hai lần Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương chiến sĩ hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Ba và được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Năm 2002, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Giáo sư, Bộ Y tế đã thành lập hội đồng xét tặng giải thưởng mang tên ông - Giải thưởng Tôn Thất Tùng.
Giáo sư Tôn Thất Tùng kết hôn cùng bà Vi Thị Nguyệt Hồ năm 1944. Bà được xem là một hoa khôi Hà Thành, cháu nội của Tổng đốc Hà Đông - Vi Văn Định. Ông bà có với nhau 3 người con, đều theo ngành y, gồm Tôn Nữ Ngọc Trân, Tôn Nữ Hồng Tâm và người nổi tiếng nhất là Phó Giáo sư, viện sĩ, bác sĩ Tôn Thất Bách (1946-2004), nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội , nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức.