Người cận vệ cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đích thân Người đặt tên, từng giữ chức vụ cao nhất của Tổng cục Thể dục Thể thao

30-04-2024 07:01|Tình Hoàng

Ông là một trong 8 người cận vệ được Bác Hồ đặt lại tên và có 12 năm làm cận vệ kiên trung bên Bác.

Ông Tạ Quang Chiến (tên thật là Nguyễn Hữu Văn) sinh năm 1925 tại Thanh Hóa, quê gốc ở Gia Lộc, Hải Dương. Năm lên 10 tuổi, cậu bé Văn theo gia đình ra Hà Nội sinh sống. Giác ngộ cách mạng từ sớm nên khi mới 18 tuổi, Nguyễn Hữu Văn đã tham gia hoạt động trong tổ chức thanh niên cứu quốc.

Làm cận vệ kiên trung bên Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cách mạng Tháng Tám thành công cũng là lúc chàng thanh niên Nguyễn Hữu Văn tròn 20 tuổi. Với thành tích cũng như nhiệt huyết với cách mạng, Nguyễn Hữu Văn đã được tuyển chọn vào Đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu, đơn vị vũ trang đặc biệt trực thuộc Thành ủy Hà Nội.

Những ngày đầu cách mạng, công tác bảo vệ Bác Hồ gặp rất nhiều khó khăn. Tháng 10/1945, Trung ương Đảng quyết định tăng cường lực lượng bảo vệ Bác Hồ. Khi đó, ông Nguyễn Lương Bằng đã quyết định chọn Nguyễn Hữu Văn vào tổ giúp việc cho Bác Hồ.

Những ngày đầu khi tiếp xúc và làm quen với công việc, ông Văn được ông Nguyễn Văn Lý (tức Hoàng Hữu Kháng) là người phụ trách tổ cận vệ và các ông như Ngọc Hà (Chu Phương Vương), Văn Lâm, Nam Phong, Trần Đình là những người đã từng bảo vệ Bác ở trên căn cứ Tân Trào giúp đỡ cũng như kèm cặp thêm kinh nghiệm.

Trong mỗi chuyến công tác bảo vệ Bác, ông Chiến thường được bố trí đi cùng Bác đến thăm các vị nhân sĩ, trí thức Hà Nội, bảo vệ Bác dự kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I hoặc bảo vệ Bác đi các tỉnh như Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình,...

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí bảo vệ và giúp việc tại chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp

(TyGiaMoi.com) - Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí bảo vệ và giúp việc tại chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp

Sau khi ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. Đi với Bác là bộ phận rất gọn nhẹ gồm 8 anh em cận vệ: Võ Chương, Vũ Long Chuẩn, Nguyễn Văn Lý, Văn Lâm, Ngọc Hà, Nguyễn Quang Chí, Trần Đình và Nguyễn Hữu Văn. Nói là cận vệ của Bác, tuy nhiên thực tế là Tổ Cận vệ làm tất cả các công việc Bác giao như cảnh vệ, công tác văn phòng, liên lạc, hậu cần… Phương châm đặt ra là một người thạo nhiều việc, song bảo vệ Bác vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Đến khoảng thời gian đầu tháng 3 năm 1947, Bác Hồ và mọi người đến được xã Cổ Tiểt, Tam Nông, Phú Thọ, tạm thời dừng chân tại đây. Sáng ngày 06/3/1947, lúc ấy, Bác gọi tám người anh em đi theo Bác lại bàn bạc. Bác rất hiểu tình hình và hoàn cảnh, dẫu khó khăn nhưng Bác vẫn mong mỏi mọi người phải hết sức cố gắng. Sau khi căn dặn công chuyện, phân công việc làm và nhắc nhở mọi người phải giữ thông tin tuyệt mật, lúc này Bác mới đưa ra ý tưởng đặt tên cho tám anh em.

Bác có nói, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta mới bắt đầu và còn lâu dài, gian khổ, nhưng nhất định sẽ thắng lợi. Từ hôm nay trở đi, để tỏ lòng quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và cũng là để giữ bí mật, Bác đặt tên cho các chú là Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi. Bác chỉ vào từng người đang quây quần bên Bác, đặt tên cho từng đồng chí theo thứ tự vòng tròn. Cũng từ đó, người cận vệ Nguyễn Hữu Văn đổi tên thành Tạ Quang Chiến.

Lúc sinh thời, ông Tạ Quang Chiến thường nói: "Được Bác Hồ đặt lại tên là một kỷ niệm không thể nào quên và đó là niềm hạnh phúc lớn khi tôi được Bác khai sinh ra lần thứ hai".

Những năm tháng tham gia lực lượng TNXP của ông Tạ Quang Chiến

Kể về bối cảnh ra đời của lực lượng TNXP (Thanh niên xung phong) có ghi lại dấu ấn của ông Chiến, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, cho biết sau thất bại liên tiếp ở Biên giới năm 1950, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào năm 1951, 1952, 1953, thực dân Pháp đề ra “Kế hoạch Na Va” hòng ngăn chặn bước tiến của ta. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang ở giai đoạn “cầm cự” chuyển sang “tổng phản công”.

Vào ngày 25/3/1953, Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác và ông Tạ Quang Chiến chuẩn bị xây dựng Đoàn TNXP T.Ư theo mô hình mới, được tổ chức chặt chẽ hơn, dài ngày hơn và đây cũng là nơi rèn luyện, đào tạo cán bộ, là trường học thực tiễn cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên.

Ngày 26/3/1953, Đại đội 261, đơn vị đầu tiên của Đội TNXP kiểu mẫu được thành lập, do ông Vũ Kỳ làm Chỉ huy trưởng. Theo đó, nhiệm vụ ban đầu của Đội là bảo đảm giao thông, xây dựng kho tàng ở Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang và phục vụ tại An toàn khu (ATK). Như vậy trong năm 1953, cùng làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông có 3 lực lượng là Đoàn TNXP công tác T.Ư do T.Ư Đoàn thành lập, Đội TNXP kiểu mẫu và Đội chủ lực giao thông của ngành giao thông công chính.

Trước tình hình đó, Bác Hồ chỉ thị phải thống nhất lại. Đến tháng 1/1954, hai Đội TNXP công tác T.Ư và Đội TNXP kiểu mẫu sáp nhập lại có tên mới là Đoàn TNXP T.Ư với mật danh là “Đoàn XP”, do ông Vũ Kỳ làm Đoàn trưởng; ông Vũ Song, Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông được điều về làm Đoàn phó.

“Đoàn XP” có các đội là: Đội 34, 40 đóng tại địa bàn Sơn La, Lai Châu; Đội 36 do ông Tạ Quang Chiến làm Đội trưởng vụ phục vụ An toàn khu (ATK), nơi T.Ư Đảng, Chính phủ làm việc... Trong đó, nhiệm vụ của Đoàn XP là “Xung phong trong mọi công việc, phục vụ cho đến kháng chiến thành công”.

Suốt 12 năm, ông Tạ Quang Chiến cùng 7 thành viên khác của đội cận vệ hết lòng phục vụ và bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không ngừng học hỏi và nhận những nhiệm vụ mới

Sau khi vinh dự bảo vệ và phục vụ Bác Hồ, năm 1957, ông Tạ Quang Chiến được cử đi học chương trình lý luận cao cấp tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương và sau đó đi nghiên cứu sinh về khoa học xã hội tại Trường Đảng cao cấp ở Liên Xô.

Về nước, ông được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng như Vụ trưởng vụ Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Bí thư Trung ương đoàn thanh niên, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (giai đoạn 1981 - 1992). Ông cũng là Đại biểu Quốc hội khóa VII (1981 - 1987).

Trong suốt cuộc đời hoạt động, ông Tạ Quang Chiến cũng đã có hơn 50 năm trong vai trò là cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng, lịch sử khoa học xã hội và hiện nay là lịch sử tư tưởng Hồ Chí Minh. Là người cộng sản kiên trung, ông Tạ Quang Chiến từng được tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, huy hiệu 75 năm tuổi đảng.

Ông Tạ Quang Chiến lúc sinh thời

(TyGiaMoi.com) - Ông Tạ Quang Chiến lúc sinh thời

Ông Chiến luôn căn dặn con cháu phải luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi người phải biết sống giản dị, tiết kiệm, anh em trong gia đình phải đoàn kết, yêu thương nhau.

Ông cũng từng chia sẻ rằng thế hệ trẻ chính là tương lai của đất nước, mỗi người cần phải nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện cả thân và tâm nhiều hơn nữa. Việc mỗi cá nhân chuẩn bị về kiến thức thôi chưa đủ mà còn phải chuẩn bị tốt về mọi mặt, cả về trình độ học vấn, kiến thức và bản lĩnh để sẵn sàng hội nhập với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc trong khu vực và thế giới.

Ông Tạ Quang Chiến lúc sinh thời

(TyGiaMoi.com) - Ông Tạ Quang Chiến lúc sinh thời

Vào ngày 12/6/2022, Tổng cục Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết ông Tạ Quang Chiến (nguyên tổng cục trưởng Tổng cục TDTT), người cận vệ được Bác Hồ đặt tên, đã qua đời do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 98 tuổi.

>> Thân thế nữ cảnh vệ đầu tiên của Việt Nam từng trực tiếp bảo vệ Bác Hồ trong gần 10 năm, giữ tới chức Phó cục trưởng cục Cảnh vệ

Người phụ nữ tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hơn 40 năm sưu tầm hơn 3.000 ảnh Bác Hồ, 65 năm vẫn không quên được lần đầu gặp Bác

Chuyện ít biết về những cảnh vệ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lực lượng duy nhất trong Công an nhân dân được chính Bác Hồ đặt tên

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nguoi-can-ve-cuoi-cung-cua-chu-tich-ho-chi-minh-duoc-dich-than-nguoi-dat-ten-tung-giu-chuc-vu-cao-nhat-cua-tong-cuc-the-duc-the-thao-d121583.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Người cận vệ cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đích thân Người đặt tên, từng giữ chức vụ cao nhất của Tổng cục Thể dục Thể thao
    POWERED BY ONECMS & INTECH