Câu chuyện đầu tư

Nữ tướng giàu Top 12 sàn chứng khoán kể hành trình vượt bão thuế quan 130% của Mỹ

Quốc Trung 28/04/2025 - 11:15

Trước thách thức thuế quan và các biến động quốc tế, thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) tiếp tục kiên trì thích ứng, bền bỉ đổi mới và bảo vệ ngành hàng chủ lực, từng bước khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt trên sân chơi toàn cầu.

Nữ tướng giàu Top 12 sàn chứng khoán kể hành trình vượt bão thuế quan 130% của Mỹ
Bà Trương Thị Lệ Khanh hiện sở hữu khối tài sản hơn 4.700 tỷ đồng - nằm trong Top 12 lãnh đạo/cổ đông nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam và Top 27 toàn trị trường

Sau một năm 2024 ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với 12.513 tỷ đồng doanh thu và 1.226 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC ) bước vào năm 2025 với nhiều thách thức mới. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 24/4/2025, công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh với kịch bản doanh thu dao động từ 10.900–12.350 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 1.000–1.300 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến giữ ở mức 20% bằng tiền mặt.

Cùng với đó, Vĩnh Hoàn lên kế hoạch chi 830 tỷ đồng trong năm 2025 để nâng cấp, mở rộng nhà máy, kho bãi, trang thiết bị và vùng nuôi trồng, củng cố nội lực cho giai đoạn tới.

Tuy nhiên, một trong những mối lo lớn nhất hiện nay đến từ câu chuyện thuế quan Mỹ. Bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn – cho biết, công ty đã điều chỉnh mục tiêu kinh doanh năm 2025 giảm so với tài liệu ban đầu trước đại hội, do áp lực từ mức thuế đối ứng của Mỹ có thể lên tới 46% và vẫn đang trong quá trình thương lượng. Đây được xem là "cú sốc nặng" đối với doanh nghiệp khi Mỹ là thị trường chủ lực.

Dù vậy, lãnh đạo Vĩnh Hoàn vẫn giữ tâm thế lạc quan, cho rằng khả năng thực hiện kế hoạch vẫn khả thi, tùy thuộc vào sức chịu đựng của người tiêu dùng Mỹ đối với giá sản phẩm tăng cao và sức mạnh tổng thể của nền kinh tế Mỹ. Các khách hàng tại thị trường này vẫn duy trì nhu cầu tiêu thụ tốt và mong muốn Vĩnh Hoàn đẩy nhanh tiến độ nuôi cá để tăng lượng xuất khẩu.

Vĩnh Hoàn hiện là nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu vào Mỹ, đồng thời là doanh nghiệp duy nhất được dỡ bỏ thuế chống bán phá giá theo quy định Mỹ hồi đầu năm. "Đây là kết quả của 21 năm theo đuổi vụ kiện, chấm dứt thuế bán phá giá vĩnh viễn với Vĩnh Hoàn, tạo ra bước ngoặt thuận lợi và vị thế vượt bậc so với các đối thủ cạnh tranh", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

>> Nhà xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam tuyên bố không rút lui khỏi Mỹ, biến thuế quan thành đòn bẩy thị phần

Liên quan tới các kịch bản áp thuế đối ứng từ Mỹ, bà Khanh nhấn mạnh, theo nguyên tắc thương mại, thuế quan là nghĩa vụ của nhà nhập khẩu: "Kịch bản áp thuế mức nào cũng cần có thời gian để xem sức chịu đựng của người tiêu dùng Mỹ. Chúng tôi luôn đặt ra thuế nhập khẩu là trách nhiệm của nhà nhập khẩu, chúng tôi khó lòng chia sẻ mức thuế này".

Lợi thế lớn của Vĩnh Hoàn là sản phẩm cá tra Việt Nam hiện có ít đối thủ thay thế trên thị trường thế giới, đặc biệt tại Mỹ. "Cá tra vẫn đang phục vụ người tiêu dùng Mỹ. Chúng ta không nên bi quan, mà để chính người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu Mỹ đấu tranh, nhằm bảo vệ quyền lợi và duy trì sức mua", bà Khanh khẳng định.

Từng vượt sóng giữ 15 năm trước

Chia sẻ bên lề đại hội, "nữ hoàng cá tra" nhắc lại những thời khắc khó khăn trong hành trình của Vĩnh Hoàn. Cách đây 15 năm, khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên tới 130% đối với cá tra Việt Nam, Vĩnh Hoàn từng cân nhắc từ bỏ ngành cá tra để chuyển hướng sang nuôi cá rô phi. Nhưng qua những nghiên cứu chuyên sâu, bà Khanh nhận thấy cá tra có ưu thế sinh học vượt trội, khả năng sinh sản cao và dễ nuôi hơn nhiều loài khác, điều này đã củng cố quyết tâm bám trụ và phát triển bền vững cùng cá tra.

Ngày nay, khi nền kinh tế bước vào kỷ nguyên công nghệ, lãnh đạo Vĩnh Hoàn xác định cần đầu tư mạnh vào khoa học – công nghệ trong tất cả các khâu: Từ nuôi trồng, chế biến đến truyền thông và marketing. Bà Khanh đề xuất thành lập các quỹ phát triển công nghệ chuyên biệt cho từng ngành hàng, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng số hóa, phân tích dữ liệu lớn để tăng cường hiệu quả sản xuất và quản lý.

Trong chiến lược sản phẩm, Vĩnh Hoàn không chỉ dừng lại ở sản lượng cá tra nguyên liệu mà còn mở rộng mạnh mẽ mảng sản phẩm giá trị gia tăng. Theo bà Khanh, giá trị gia tăng không chỉ đến từ công đoạn chế biến sâu, mà bắt đầu ngay từ vùng nuôi chuẩn hóa, thức ăn chăn nuôi và kiểm soát môi trường. Ngay cả sản phẩm phi lê cá tra thông thường cũng đã mang trong mình giá trị tiềm ẩn.

Để tối ưu hóa chi phí và nâng cao năng suất, công ty tập trung đầu tư quy mô lớn và tự động hóa, thay vì sản xuất manh mún nhỏ lẻ. Vĩnh Hoàn đã xây dựng nhà máy sản xuất surimi riêng, phát triển các dòng sản phẩm kết hợp cá biển – cá tra và tận dụng tối đa phụ phẩm từ các nhà máy hiện hữu để xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn, bền vững.

Dù hướng tới sự đa dạng hóa sản phẩm, Vĩnh Hoàn vẫn kiên định cá tra là ngành hàng cốt lõi. Công ty đẩy mạnh đầu tư vào những điểm còn yếu, đặc biệt là lĩnh vực con giống, nhằm chủ động chất lượng sản phẩm và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Song song, doanh nghiệp cũng mở rộng diện tích vùng nuôi, đảm bảo giữ vững giá trị sản phẩm ngay cả khi sản lượng gia tăng.

>> Lo phá sản nếu Mỹ áp thuế 46%, lãnh đạo doanh nghiệp dệt may 12.000 nhân sự nói: Còn công nhân là còn nhà máy

Lo phá sản nếu Mỹ áp thuế 46%, lãnh đạo doanh nghiệp dệt may 12.000 nhân sự nói: Còn công nhân là còn nhà máy

Ứng phó nguy cơ Mỹ áp thuế hàng Việt Nam, ngành Hải quan sẽ làm gì?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nu-tuong-giau-top-12-san-chung-khoan-ke-hanh-trinh-vuot-bao-thue-quan-130-cua-my-288130.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nữ tướng giàu Top 12 sàn chứng khoán kể hành trình vượt bão thuế quan 130% của Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH