Nvidia tuyển dụng vô cùng khó, môi trường như 'nồi hơi áp suất' nhưng không có văn hoá sa thải nhân viên
Nvidia đang liên tục đăng tin tuyển dụng tại Việt Nam trên LinkedIn.
Nvidia, tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới, không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm đột phá mà còn với quy trình tuyển dụng đầy thách thức. Để gia nhập đội ngũ của công ty có giá trị vốn hóa hơn 3.490 tỷ USD này, ứng viên phải vượt qua hàng loạt "cửa ải" chuyên môn khắt khe, từ kỹ thuật, tư duy logic đến khả năng làm việc nhóm và sự phù hợp văn hóa.
Linh Nguyễn, một nhân sự thuộc bộ phận tuyển dụng của Nvidia, đồng thời là một trong số ít người Việt tham gia vào đội ngũ toàn cầu của công ty từ năm 2010, chia sẻ: "Tôi yêu công việc của mình. Chúng tôi không chỉ tuyển dụng mà còn mang đến tương lai cho Nvidia". Cô và đồng nghiệp thuộc nhóm HR thường xuyên sàng lọc hàng nghìn hồ sơ từ khắp nơi trên thế giới. Linh nhấn mạnh, ngoài kỹ năng chuyên môn xuất sắc, ứng viên cần hiểu rõ sứ mệnh và các sản phẩm của Nvidia. "Tôi đặc biệt ấn tượng với những ứng viên thấu hiểu sâu sắc lĩnh vực công nghệ mà Nvidia phát triển, cũng như cách các sản phẩm này ảnh hưởng đến thế giới", cô chia sẻ.
Nvidia đang đăng tuyển hàng loạt nhân sự. Ảnh: Báo Dân trí |
Quy trình tuyển dụng tại Nvidia kéo dài từ 3-8 tuần, bắt đầu từ vòng nộp hồ sơ, qua các bài kiểm tra kỹ thuật, đến các vòng phỏng vấn chuyên sâu. Ngay từ giai đoạn nộp CV, ứng viên phải thể hiện sự khác biệt bằng cách làm nổi bật thông tin liên lạc, trình độ học vấn, kinh nghiệm và niềm đam mê dành cho vị trí ứng tuyển.
Sau đó, ứng viên sẽ bước vào buổi phỏng vấn sàng lọc đầu tiên. Nhà tuyển dụng đặt câu hỏi về kỹ năng, kinh nghiệm làm việc và các dự án từng tham gia, đồng thời đánh giá niềm đam mê của ứng viên với công việc. Đây là cơ hội để họ tạo ấn tượng đầu tiên, khẳng định mình là người phù hợp với đội ngũ của Nvidia.
Vòng tiếp theo là bài kiểm tra kỹ thuật trực tuyến kéo dài một giờ, tập trung vào khả năng giải quyết các vấn đề mã hóa phức tạp. Các bài kiểm tra thường liên quan đến thuật toán và cấu trúc dữ liệu, yêu cầu ứng viên chia sẻ màn hình để nhà tuyển dụng theo dõi quá trình xử lý.
Những ứng viên vượt qua vòng này sẽ tiến đến vòng phỏng vấn chuyên sâu tại chỗ. Thường có từ 5-6 cuộc phỏng vấn, mỗi cuộc kéo dài 45 phút. Chuyên gia Nvidia đặt ra các câu hỏi tổng quan trong 10 phút đầu, sau đó là các bài tập kỹ thuật và thử thách lập trình. Để vượt qua, ứng viên phải thành thạo các ngôn ngữ lập trình như C++, Python và Verilog, đồng thời có kiến thức vững chắc về kiến trúc máy tính, hệ thống nhúng, cấu trúc dữ liệu, thuật toán, Linux và MATLAB.
Vòng cuối cùng, nhóm nhân sự của Nvidia tập trung đánh giá sự phù hợp về hành vi và giá trị của ứng viên với văn hóa công ty. Đây cũng là lúc họ xem xét kỹ lưỡng cách ứng viên giải quyết các tình huống thực tế tại nơi làm việc.
Mặc dù quy trình tuyển dụng vô cùng khó khăn, những ai vượt qua sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ hàng đầu. Tuy nhiên, môi trường làm việc tại Nvidia không dành cho những người thiếu tinh thần thép. Văn hóa làm việc tại đây được ví như "nồi hơi áp suất". Kỹ sư tại Nvidia thường làm việc 7 ngày một tuần, nhiều hôm kéo dài đến 1-2 giờ sáng. Một cựu nhân viên cho biết: "Đồng nghiệp của tôi thậm chí còn làm việc muộn hơn nữa".
Một nữ nhân viên khác từng chia sẻ rằng, cô tham gia từ 7-10 cuộc họp mỗi ngày, không có thời gian tiêu tiền vì khối lượng công việc dày đặc. Các cuộc họp tại Nvidia không chỉ căng thẳng mà còn thường xuyên xuất hiện những tranh luận, cãi vã.
Jensen Huang, CEO kiêm đồng sáng lập Nvidia |
Dù vậy, Nvidia có văn hóa "không sa thải nhân viên". Thay vì cho nghỉ việc những cá nhân kém hiệu quả, công ty thường chuyển họ sang các nhóm mới để thử thách hoặc phát triển thêm kỹ năng. Jensen Huang, CEO kiêm đồng sáng lập Nvidia, chia sẻ rằng ông luôn thúc đẩy nhân viên đạt đến giới hạn cao nhất để hoàn thành những mục tiêu phi thường. Ông luôn nói với nhân viên rằng ông đang thúc đẩy họ làm điều quan trọng nhất, sẵn sàng "tra tấn để họ trở nên tuyệt vời hơn". "Bạn không thể đạt được điều phi thường bằng cách làm những việc dễ dàng", ông khẳng định.
Bản thân Jensen Huang đã từng chia sẻ: "Tôi không thức dậy một cách tự hào và tự tin mà với nỗi lo lắng” vì Nvidia gần như phá sản vào cuối những năm 1990, một ký ức mà ông nói khó có thể rũ bỏ. Ông thường ngủ dậy lúc 6 giờ sáng, bắt đầu một ngày mới bằng cách tập thể dục trước khi làm việc 14 tiếng trong ngày. Ông nổi tiếng với với phong cách lãnh đạo sát sao và có khoảng 60 báo cáo trực tiếp. Ông cũng khuyến khích các nhân viên trong công ty gửi cho mình 5 điều hàng đầu trong tâm trí của họ. Do số lượng nhân viên đông đảo, ông thường nói với tất cả mọi người cùng lúc thay vì đối thoại 1-1.
Trong ba tuần gần đây, Nvidia liên tục đăng tin tuyển dụng tại Việt Nam trên LinkedIn, với các vị trí từ kỹ sư đến quản lý cấp cao. Động thái này được đưa ra không lâu sau chuyến thăm của CEO Jensen Huang đến Việt Nam. Tại đây, ông tuyên bố Việt Nam là "ngôi nhà thứ hai" của Nvidia.
Trong chuyến thăm, Nvidia đã ký kết thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa để dự án hợp tác này mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Nvidia cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực AI theo xu hướng toàn cầu nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với văn hóa, lịch sử và truyền thống của đất nước. Với giá trị vốn hóa 3.490 tỷ USD, Nvidia hiện là hãng chip lớn nhất thế giới và doanh nghiệp công nghệ lớn thứ hai, chỉ sau Apple.
>> Samsung cắt giảm nhân sự toàn cầu: 'Cơn bão' có tràn tới Việt Nam? 
NVIDIA đầu tư vào Việt Nam sẽ là 'cú hích' nhảy vọt về công nghệ 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói về NVIDIA dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam