Ô tô điện Trung Quốc 'tấn công' châu Âu, biến những cảng đông đúc nhất thành... bãi đỗ xe

11-04-2024 09:07|Vũ Bấc

Các phương tiện nhập khẩu đang chất đống tại các cảng châu Âu, biến nơi này thành “bãi đậu xe”, trong khi hoạt động sản xuất và phân phối ô tô Trung Quốc phải vật lộn với tốc độ bán hàng chậm chạp và hệ thống logistics tắc nghẽn do thiếu tài xế xe tải.

Cảng biển hay "bãi tập kết xe điện Trung Quốc"?

Theo những nhà quản lý trong ngành, một số xe điện mang thương hiệu Trung Quốc đã nằm ở các cảng châu Âu tới 18 tháng. Một chuyên gia logistics cho biết, nhiều lô hàng là xe điện chưa được dỡ xuống, cứ thế ở lại cảng cho đến khi nào được bán cho nhà phân phối hoặc người dùng cuối ở nước nhập khẩu, gây nên tình trạng hỗn loạn chưa từng có ở các hải cảng lớn của châu Âu.

Tình trạng tắc nghẽn hiện nay thậm chí còn có tác động dây chuyền lên cả những hãng tàu chuyên bốc dỡ hàng ô tô. Một đại diện trong ngành, công ty United European Car Carriers có trụ sở tại Oslo, cho biết họ đã trải qua “nhiều trải nghiệm khó chịu” khi các tàu của họ bị tắc nghẽn ở cảng Livorno của Ý và cảng Piraeus của Hy Lạp vì ùn tắc hàng ở các bến cảng.

Các giám đốc cảng và các nhà quản lý trong ngành công nghiệp ô tô đã chỉ ra rằng việc xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc bị dồn đống ở cảng là do một số công ty đã đặt giao hàng nhưng lại không sắp xếp vận chuyển chặng tiếp sau. Các nhà sản xuất ô tô nói chung đang gặp khó khăn trong việc đặt xe tải do tình trạng thiếu hụt tài xế và thiết bị chuyên dùng để chuyên chở phương tiện nhập khẩu.

“Các nhà phân phối ô tô dường như muốn sử dụng luôn bãi đỗ xe của cảng làm kho chứa. Thay vì lưu kho ô tô tại các đại lý, chúng lại được tập kết ở kho chứa hàng của cảng ", lãnh đạo cảng Antwerp-Bruges - cảng nhập khẩu ô tô bận rộn nhất châu Âu, cho biết.

Ảnh minh họa

Cuộc chiến thị phần giữa các hãng xe điện nội địa và nhập khẩu

Tuy nhiên, ông Cui Dongshu, Tổng Thư ký Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc, lên tiếng cho rằng vận chuyển nội địa (inland shipping) tại các thị trường châu Âu rất khó khăn đối với các thương hiệu xe điện Trung Quốc.

Ông cũng nhấn mạnh rằng các thương hiệu Trung Quốc cần cải thiện dịch vụ hậu mãi của mình, đặc biệt là phải "thay đổi cách xuất khẩu ô tô kiểu 'du kích hiếu chiến', vì cách làm đó sẽ chỉ khiến chúng ta (các nhà phân phối xe điện Trung Quốc) rơi vào tình thế bất lợi”.

Ông Wang Wentao, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, tại cuộc họp với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc ở Paris hôm Chủ Nhật, cho biết rằng những cáo buộc áp đặt lên họ về tình trạng “quá tải” là “vô căn cứ".

Ô tô điện Trung Quốc làm ngập các cảng ở châu Âu, chuyện gì đang xảy ra?
Ảnh minh họa

BLG Logistics, công ty vận hành nhà ga ô tô tại cảng Bremerhaven của Đức, cảng có lượng phương tiện giao thông đông đúc thứ hai ở châu Âu, cho biết tình hình bắt đầu trở nên tồi tệ sau khi Chính phủ Đức ngừng trợ cấp cho việc mua xe điện từ tháng 12 năm ngoái. Động thái này làm giảm sức cạnh tranh của các dòng xe điện nội địa và tạo sức hút cho xe điện Trung Quốc tràn vào thị trường nước Đức.

Nhiều hãng ô tô của Trung Quốc như BYD, Great Wall, Chery và SAIC đã đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu, vừa để duy trì hoạt động cho các nhà máy ở Trung Quốc vừa tận dụng nhu cầu ô tô điện của khu vực.

Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc vào năm 2023 cao hơn 58% so với năm trước đó, thúc đẩy sự định hình lại đáng kể thị trường ô tô. Trong hai tháng đầu năm nay, các thị trường xuất khẩu hàng đầu của các dòng ô tô chạy pin, xe hybrid và xe chạy bằng hydro của Trung Quốc là Bỉ, Anh, Đức và Hà Lan.

Ô tô điện Trung Quốc làm ngập các cảng ở châu Âu, chuyện gì đang xảy ra?
Ảnh minh họa

Hướng đi nào cho các hãng xe điện Trung Quốc?

Hiện nay nhiều tập đoàn Trung Quốc đang muốn gây dựng thị trường châu Âu từ con số 0. Trong thực tế, thách thức lớn nhất họ gặp phải là khó khăn về vận tải - logistics. Các nhà phân phối Trung Quốc mới chỉ là những “tay chơi mới” trên thị trường châu Âu, nơi mạng lưới quan hệ với các công ty logistics lớn ưu tiên các khách hàng kỳ cựu.

“Vốn dĩ việc thiếu phương tiện chuyên chở hay thiếu tài xế rất phổ biến. Đồng thời nhiều công ty đã được đặt trước bởi Tesla”, một chuyên gia trong ngành cho biết - “Bất kỳ thương hiệu mới nào cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề này, nếu bạn không có lợi thế quy mô, nếu bạn không giao hàng thường xuyên thì bạn không phải là khách hàng lớn nhất của [các tập đoàn vận tải đường bộ]”.

Sự tắc nghẽn là trở ngại mới nhất đối với hệ thống vận chuyển ô tô thành phẩm toàn cầu. Ngành công nghiệp này đã phải vật lộn trong nhiều tháng với tình trạng thiếu năng lực vận chuyển tàu khi xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng vọt khiến số lượng phương tiện di chuyển đường dài tăng 17% so với năm trước. Các vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do những diễn biến của các cuộc xung đột vũ trang ở Biển Đỏ, khiến hành trình của các tàu bị kéo dài đáng kể.

Trước thách thức logistics và áp lực từ sự cạnh tranh toàn cầu, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang đối mặt với bài toán khó trong việc mở rộng thị trường ở châu Âu. Sự thiếu hụt về mạng lưới vận tải và dịch vụ hậu mãi chất lượng cao đang khiến họ phải tìm cách đổi mới và thích nghi. Việc xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững, cùng với việc cải thiện mối quan hệ với các đối tác logistics, có thể là chìa khóa giúp các thương hiệu ô tô Trung Quốc vượt qua những trở ngại này, đồng thời tận dụng cơ hội để củng cố vị thế tại thị trường ô tô điện với nhu cầu đang tăng cao của châu Âu.

>> Các siêu cường bị tụt hậu quá xa về ô tô điện, Trung Quốc sẽ 'bán đổ, bán tháo' hàng giá rẻ cho các quốc gia phương Tây?

Không phải trợ cấp, Trung Quốc hé lộ nguyên do thật sự khiến xe điện nước này 'bỏ xa' phương Tây

Quốc gia châu Âu sắp trở thành 'vương quốc xe điện' đầu tiên trên thế giới: 10 chiếc bán ra có đến 9 chiếc là xe xanh

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/o-to-dien-trung-quoc-lam-ngap-cac-cang-o-chau-au-chuyen-gi-dang-xay-ra-230173.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Ô tô điện Trung Quốc 'tấn công' châu Âu, biến những cảng đông đúc nhất thành... bãi đỗ xe
    POWERED BY ONECMS & INTECH