‘Ông lớn’ ngành kem được định giá 4.450 tỷ đồng, nắm giữ gần 50% thị phần trước khi về tay Nutifood: Cứ 10 đồng doanh thu thì lãi 5 đồng
Nutifood đã chi hàng tỷ đồng thâu tóm Kido Foods, đế chế kem chiếm gần 50% thị phần. Thương vụ liệu có định hình lại thị trường kem Việt Nam?
Kido Foods: Đế chế kem hàng đầu trước khi về tay Nutifood
Trong nhiều năm liền, Kido Foods (KDF) là cái tên dẫn đầu thị trường kem Việt Nam với hai thương hiệu nổi tiếng Merino và Celano. Theo thống kê của Euromonitor, Kido chiếm gần 47% thị phần kem năm 2023, vượt xa các đối thủ như Unilever (11,5%) và Vinamilk (9%). Thành công này đã đưa Kido Foods trở thành một trong những “con cưng” của tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC).
Tuy nhiên, thông tin Nutifood mua lại 51% cổ phần của Kido Foods, định giá công ty ở mức 4.450 tỷ đồng (khoảng 200 triệu USD), đã gây chú ý lớn. Đây là thương vụ chiến lược giúp Nutifood mở rộng lĩnh vực thực phẩm đông lạnh, đồng thời đặt ra dấu hỏi về tương lai của hai thương hiệu kem hàng đầu Việt Nam.
Không chỉ dẫn đầu thị trường, ngành hàng kem của Kido còn nổi bật với mức sinh lời ấn tượng. Báo cáo cho thấy mỗi 10 đồng doanh thu từ mảng kem, Kido lãi tới 5 đồng, cao gấp nhiều lần các lĩnh vực khác như dầu ăn (biên lợi nhuận chỉ đạt 10-15%).
Trong giai đoạn 2020-2023, doanh thu ngành dầu ăn luôn chiếm khoảng 80% tổng doanh thu, nhưng biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 10-14%. Trong khi đó, mảng ngành hàng lạnh tuy chiếm khoảng 14-16% tổng doanh thu nhưng lại có biên lợi nhuận lên tới 40-60%.
Đáng chú ý, năm 2022, doanh thu của Kido đạt kỷ lục 12.519 tỷ đồng. Trong đó, mảng dầu ăn chiếm 82% (10.310 tỷ đồng) nhưng chỉ mang về 1.009 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Mảng hàng lạnh, dù chỉ chiếm 15% doanh thu (1.842 tỷ đồng), lại đóng góp tới 1.084 tỷ đồng lợi nhuận gộp.
Đây chính là lý do khiến Kido Foods được định giá cao dù chỉ đóng góp 12-20% tổng doanh thu của tập đoàn trong giai đoạn trên.
Kido Foods được thành lập năm 2003 sau thương vụ mua lại nhà máy kem Wall's, và lần lượt ra mắt hai thương hiệu Merino (2004) và Celano (2005). Hai thương hiệu này nhanh chóng thống lĩnh thị trường nhờ chiến lược đa dạng hóa hương vị, từ truyền thống như sầu riêng, khoai môn, đậu đỏ đến các sản phẩm độc đáo như kem Merino Xplus kết hợp đậu đỏ, sô-cô-la trắng và gạo lứt.
Thành công này không chỉ đến từ sản phẩm mà còn nhờ hệ thống phân phối rộng lớn với hơn 300.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc. Kido cũng sở hữu hai nhà máy chế biến hiện đại tại Củ Chi (TP.HCM) và VSIP (Bắc Ninh), giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngành kem: Sân chơi tiềm năng nhưng cạnh tranh khốc liệt
Theo Euromonitor, thị trường kem Việt Nam đạt 4.900 tỷ đồng doanh thu năm 2023, tăng trưởng 8% so với năm trước. Doanh số bán lẻ kem mang về nhà tăng 9% lên 1.500 tỷ đồng, trong khi dịch vụ ăn uống cũng phục hồi mạnh mẽ nhờ du lịch quốc tế.
Dự báo từ 2023-2027, ngành kem sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ CAGR 10%, đạt quy mô 7.800 tỷ đồng vào năm 2027. Tuy nhiên, thách thức cũng ngày càng lớn khi người tiêu dùng quan tâm hơn đến sức khỏe, hạn chế các sản phẩm nhiều đường và chất béo.
Trong bối cảnh này, Nutifood - công ty mẹ mới của Kido Foods - sẽ đối mặt với bài toán vừa duy trì thị phần, vừa phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Nutifood, vốn nổi tiếng trong ngành sữa và dinh dưỡng, đã mở rộng sang các lĩnh vực mới như cà phê và thực phẩm đông lạnh. Việc thâu tóm Kido Foods là bước đi chiến lược giúp Nutifood nhanh chóng gia nhập ngành hàng đông lạnh với hai thương hiệu dẫn đầu Merino và Celano.
Ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood, chia sẻ: “Việc đầu tư vào Kido Foods không chỉ mở rộng lĩnh vực kinh doanh mà còn giúp Nutifood sở hữu hệ thống phân phối với hàng trăm nghìn tủ kem bao phủ từ điểm bán lẻ truyền thống, hiện đại đến nhà hàng, khách sạn và khu vui chơi.”
Nutifood cũng có lợi thế khi đã thành lập các trung tâm nghiên cứu dinh dưỡng tại Việt Nam và Thụy Điển, tạo nền tảng cho việc phát triển các sản phẩm kem hướng đến sức khỏe. Đây có thể là lợi thế cạnh tranh của Nutifood trong việc phát triển Kido Foods.
Hình ảnh minh họa, nguồn: Internet |
Thách thức từ việc giữ thương hiệu Celano và Merino
Một vấn đề đáng chú ý sau thương vụ này là quyền sở hữu hai thương hiệu Merino và Celano. Kido Group đã hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu 34 thương hiệu, bao gồm Merino và Celano, về tập đoàn mẹ từ năm 2022. Dù vậy, việc khai thác hai thương hiệu này trong tương lai sẽ cần sự đồng thuận từ cổ đông.
Ban lãnh đạo Kido đã đề xuất giữ quyền sở hữu thương hiệu tại tập đoàn mẹ để đảm bảo giá trị lâu dài. Đây sẽ là vấn đề được thảo luận tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới.
Dù đã chuyển nhượng 51% cổ phần, Kido vẫn giữ 49% vốn tại Kido Foods, cho thấy mảng kem vẫn có ý nghĩa quan trọng với tập đoàn. Trong khi đó, Nutifood, với tiềm lực tài chính và chiến lược bài bản, nhiều khả năng sẽ đưa Kido Foods bước sang giai đoạn phát triển mới.
Ngành kem Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng cao và dư địa lớn, hứa hẹn sẽ tiếp tục là cuộc đua hấp dẫn giữa các “ông lớn” như Nutifood, Unilever và Vinamilk trong những năm tới.
Nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém: MB, VPBank, Vietcombank và HDBank được hưởng lợi gì? 
Lộ ngày khởi công cầu đi bộ gần 1.000 tỷ đồng bắc qua sông Sài Gòn của Nutifood