Doanh nghiệp

'Ông lớn' xi măng Vicem lỗ kỷ lục hơn 1.400 tỷ đồng

Long Vũ 15/12/2024 21:46

Năm 2023, Vicem cũng ghi nhận mức lỗ 1.129 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng vừa công bố dự thảo báo cáo tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2025 của ngành xây dựng. Theo báo cáo, doanh thu của các tổng công ty thuộc Bộ ước đạt 52.285 tỷ đồng, tương ứng 97,7% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu của các công ty mẹ ước đạt 15.194 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm với mức hoàn thành đạt 105%.

Lợi nhuận toàn ngành xây dựng năm 2024 vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể, các tổng công ty ước đạt lợi nhuận 652 tỷ đồng, trong khi các công ty mẹ đạt 1.650 tỷ đồng, hoàn thành tốt chỉ tiêu đề ra là 1.492 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong khi phần lớn các doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, đáng chú ý là Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tiếp tục báo lỗ lớn năm thứ hai liên tiếp với 1.402 tỷ đồng, mức lỗ cao nhất kể từ khi công bố thông tin vào năm 2016. Trước đó, năm 2023, Vicem cũng ghi nhận mức lỗ 1.129 tỷ đồng.

'Ông lớn' xi măng Vicem lỗ kỷ lục hơn 1.400 tỷ đồng
Vicem ước lỗ hơn 1.400 tỷ đồng trong năm 2024

>>Thanh tra Bộ Tài chính: Nhiều khoản đầu tư của Vicem tiềm ẩn rủi ro mất vốn, phải trích lập dự phòng 3.000 tỷ

Ở chiều ngược lại, một số tổng công ty khác báo lãi tích cực. Viglacera dẫn đầu với mức lãi 1.500 tỷ đồng, tiếp đến là Tổng công ty Hud với lãi 386 tỷ đồng, Hancorp lãi 84 tỷ đồng, Lilama lãi 70 tỷ đồng, và Coma lãi 14 tỷ đồng.

Dù báo lỗ, kết quả kinh doanh năm 2024 của Vicem được đánh giá là tích cực hơn dự báo, khi mức lỗ giảm so với kế hoạch ban đầu là 1.579 tỷ đồng. Vicem là doanh nghiệp có tuổi đời 45 năm, hiện quản lý 10 nhà máy trên cả nước với 16 dây chuyền sản xuất, công suất đạt 20 triệu tấn clinker và 27 triệu tấn xi măng mỗi năm. Hệ sinh thái của Vicem bao gồm các thương hiệu nổi tiếng như xi măng Hà Tiên, Hải Phòng, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Bút Sơn và Hoàng Mai.

Trước đó, vào giữa tháng 11/2024, Thanh tra Bộ Tài chính đã công bố kết luận thanh tra tại Tổng công ty Vicem cho thấy một số khoản đầu tư của Công ty mẹ - Tổng công ty Vicem tiềm ẩn rủi ro mất vốn. Tính đến ngày 31/12/2023, Vicem đã phải trích lập dự phòng rủi ro tổn thất các khoản đầu tư với tổng số tiền lên tới 3.017 tỷ đồng cho 7 khoản đầu tư lớn.

Ngoài các khoản trên, Vicem còn đầu tư vào 9 công ty con và công ty liên kết khác ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2023. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy các công ty này vẫn có vốn chủ sở hữu cao hơn vốn đầu tư ban đầu.

Trước các vấn đề nêu trên, Thanh tra Bộ Tài chính yêu cầu Vicem rà soát và đánh giá toàn bộ các khoản đầu tư vào những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Đồng thời, Vicem cần chỉ đạo người đại diện phần vốn góp tại các công ty con và công ty liên kết kiến nghị với Hội đồng Thành viên (HĐTV) và Hội đồng Quản trị (HĐQT) xây dựng phương án cụ thể nhằm khắc phục khó khăn tài chính, xử lý lỗ lũy kế kéo dài.

Thanh tra cũng đề nghị Vicem nhanh chóng thực hiện giám sát tài chính đối với các công ty có dấu hiệu mất an toàn tài chính, đảm bảo minh bạch và ổn định trong hoạt động kinh doanh.

>>10 công ty con kinh doanh kém hiệu quả, lỗ lũy kế 6.700 tỷ đồng, Vicem nói gì?

10 công ty con kinh doanh kém hiệu quả, lỗ lũy kế 6.700 tỷ đồng, Vicem nói gì?

Thanh tra Bộ Tài chính: Nhiều khoản đầu tư của Vicem tiềm ẩn rủi ro mất vốn, phải trích lập dự phòng 3.000 tỷ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ong-lon-xi-mang-vicem-lo-ky-luc-hon-1400-ty-dong-266005.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    'Ông lớn' xi măng Vicem lỗ kỷ lục hơn 1.400 tỷ đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH