Ông Trump, bà Harris "giành giật" cử tri ở bang chiến trường trước giờ "G"
Bà Harris và ông Trump đã cùng có mặt tại các bang chiến trường trong 4 ngày liên tiếp.
Chỉ còn ba ngày nữa là đến Ngày bầu cử chính thức, cuộc đua vào Nhà Trắng ngày càng gay cấn ở một số bang chiến trường quan trọng, nơi có thể quyết định người chiến thắng.
Tại Pennsylvania, một cuộc thăm dò độc quyền từ USA TODAY/Đại học Suffolk cho thấy ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump  đang hòa nhau ở mức 49%.
Theo một cuộc thăm dò độc quyền khác từ USA TODAY/Suffolk, cả hai cũng đang ngang bằng ở Michigan với 47% mỗi bên.
Một cuộc thăm dò của UMass Lowell/YouGov được công bố trong tuần này cho thấy ông Trump dẫn trước một chút trong biên độ sai số ở South Carolina.
Hiện, bà Harris và ông Trump đã liên tiếp cùng có mặt tại các bang chiến trường trong 4 ngày liên tiếp mà cụ thể là bang South Carolina hôm 30/10, Nevada vào 31/10 và Wisconsin vào 1/10, để "giành giật" những lá phiếu quyết định.
Có một thời điểm, họ tổ chức các sự kiện vận động ở cách nhau chỉ khoảng 11 km.
Điều này cho thấy nỗ lực to lớn trong việc thuyết phục một số lượng cử tri tương đối nhỏ ở một số bang chiến trường. Dù vậy, ông Trump cũng đến Salem, Virginia trong hôm 2/11 mặc dù các cuộc thăm dò cho thấy bà Harris có sự ủng hộ áp đảo hơn một cách rõ ràng ở đó.
Bà Harris cũng sẽ có mặt ở tiểu bang chiến trường Georgia hôm 2/11, nơi đạo diễn phim Spike Lee và ca sĩ Victoria Monet dự kiến sẽ phát biểu tại một cuộc mít tinh.
Tổng thống Joe Biden từ đảng Dân chủ, đã giành chiến thắng tại Georgia chỉ với 0,3% vào năm 2020, lần đầu tiên đảng của ông giành được bang này kể từ chiến thắng của Bill Clinton vào năm 1992.
Đảng Dân chủ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc cử tri da màu đi bỏ phiếu và ủng hộ bà Harris nếu họ muốn tái tạo thành công của ông Biden tại một bang mà cử tri da màu chỉ chiếm hơn 12% dân số.
Người gốc Tây Ban Nha, chiếm gần 19% dân số Georgia, cũng đang là "đối tượng" bị tranh giành. Theo đó, ông Trump đang dẫn trước bà Harris sít sao 1,6% tại tiểu bang này, theo số liệu thăm dò trung bình từ FiveThirtyEight.
Khi bước vào chặng đua cuối cùng, vào đầu tuần sau, chiến dịch của bà Harris có kế hoạch tổ chức các sự kiện tổ chức có sự kết nối đồng thời trên cả bảy bang chiến trường để huy động cử tri.
Hai ứng viên vào Nhà Trắng đã phải "vật lộn" để thu hút cử tri tại các bang chiến trường.
Tại một cuộc vận động ở Wisconsin hôm 1/11, ông Donald Trump đã gọi bà Kamala Harris là "người có chỉ số IQ thấp" và thề sẽ cứu nền kinh tế "khỏi sự xóa sổ hoàn toàn" trong bài phát biểu dài 1,5 giờ, đề cập đến các vấn đề hàng đầu của chiến dịch bao gồm nền kinh tế và chính sách đối ngoại.
"Tôi sẽ ngăn chặn cuộc xâm lược tội phạm vào đất nước này,” ông Trump nói trong bài phát biểu khai mạc, hứa sẽ mở ra một "thời kỳ hoàng kim" mới. "Bạn có thể tưởng tượng được nếu bà Kamala thắng không? Bạn sẽ rơi vào thời kỳ suy thoái theo kiểu năm 1929", ông Trump khẳng định.
Trong diễn biến liên quan, ngày bầu cử chính thức là 5/11 nhưng các cử tri Mỹ đã bắt đầu bỏ phiếu sớm trong nhiều tuần qua.
Hơn một nửa số cử tri dự kiến sẽ bỏ phiếu trước ngày bầu cử, mặc dù các quy tắc liên quan đến việc bỏ phiếu sớm khác nhau tùy theo tiểu bang. Tính đến hôm 2/11, hơn 72 triệu lá phiếu đã được bỏ, theo một công cụ theo dõi do Đại học Florida áp dụng. Theo truyền thống, đảng Dân chủ ủng hộ việc bỏ phiếu sớm hơn đảng Cộng hòa, những người trước đây đã nghi ngờ về tính an toàn của hoạt động này. Tuy nhiên, trong lần bầu cử này, cả hai đảng đều kêu gọi những người ủng hộ bỏ phiếu sớm.
>> Cuộc đua gây cấn không kém hai ứng viên tổng thống Mỹ