Osamu Suzuki: Nhà lãnh đạo huyền thoại của hãng xe Suzuki qua đời ở tuổi 94
Chủ tịch Toyota, Akio Toyoda, từng bày tỏ sự kính trọng với Osamu Suzuki, gọi ông là "người cha của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản".
Osamu Suzuki, cựu Chủ tịch Tập đoàn Suzuki và người góp phần đưa hãng ô tô Nhật Bản này trở thành biểu tượng tại Ấn Độ, đã qua đời ở tuổi 94 vào ngày 25/12. Ông là một trong những nhà lãnh đạo huyền thoại của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, gắn bó hơn 40 năm với Suzuki và để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử của thương hiệu này.
Sinh ngày 30/1/1930 tại tỉnh Gifu, Nhật Bản, Osamu Suzuki (tên khai sinh: Osamu Matsuda) bắt đầu sự nghiệp là một nhân viên ngân hàng sau khi tốt nghiệp Đại học Chuo năm 1953. Tuy nhiên, bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông đến từ cuộc hôn nhân sắp đặt với Shoko Suzuki – cháu gái người sáng lập Suzuki. Do gia đình Suzuki không có người thừa kế nam, ông đã đổi họ thành Suzuki và gia nhập công ty gia đình vào năm 1958.
Tại Suzuki, ông nhanh chóng thăng tiến qua nhiều vị trí quản lý và trở thành giám đốc năm 1963. Đến năm 1978, Osamu Suzuki chính thức trở thành Chủ tịch đời thứ tư của tập đoàn, mở ra một chương mới trong lịch sử hãng xe này.
Ngay từ khi nắm quyền, Osamu Suzuki đã định hướng Suzuki đi theo chiến lược khác biệt: thay vì cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn như Honda, Toyota, hãng tập trung vào sản xuất xe cỡ nhỏ giá bình dân, phục vụ các thị trường đang phát triển và đông dân. Ông nhận định rằng xe cỡ nhỏ là "tác phẩm nghệ thuật", đòi hỏi sự cân bằng tinh tế giữa kích thước, hiệu suất và giá thành. Quyết định lịch sử này đã đắm dấu bước ngoặt quan trọng của Suzuki tại Ấn Độ – thị trường mà hãng vẫn duy trì vị thế số 1 đến nay. Thương hiệu Maruti Suzuki, được hợp tác phát triển với chính phủ Ấn Độ từ năm 1982, trở thành biểu tượng của ô tô giá rẻ và đáng tin cậy. Trong vòng 11 năm đầu, dòng xe này đã đạt mốc sản xuất 1 triệu chiếc và tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục.
Dưới sự lãnh đạo của Osamu Suzuki, hãng xe không chỉ thành công tại Ấn Độ mà còn bành trướng mạnh mẽ sang các khu vực khác. Ông tích cực xây dựng quan hệ đối tác quốc tế, bao gồm General Motors, Volkswagen, và Toyota. Từ thập niên 1980, Suzuki đã mở rộng thị trường sang châu Âu, Bắc Mỹ, New Zealand, và nhiều quốc gia khác. Đến đầu thập niên 2000, Suzuki đã có 60 cơ sở sản xuất tại 31 quốc gia, xuất khẩu xe đến 190 quốc gia trên thế giới. Thành tựu này giúp hãng vươn lên đứng đầu thế giới trong mảng xe cỡ nhỏ vào năm 2004, và đến năm 2016, Suzuki xếp thứ 10 toàn cầu về sản lượng xe bán ra.
>> Nơi được mệnh danh là ‘thủ phủ xe điện’, sắp đạt cột mốc quan trọng trong ngành 
Osamu Suzuki được biết đến với phong cách quản lý tài chính gắt gao và chú trọng tối đa hóa hiệu quả. Ông từng đến thăm một nhà máy trong ba ngày và đề xuất 215 phương án tiết kiệm, bao gồm việc tắt 1.900 bóng đèn để tiết kiệm 40.000 USD mỗi năm. Thậm chí, ông yêu cầu nhân viên mua vé tàu dừng nghỉ ở các trạm địa phương để tiết kiệm từng yên.
Ông còn điều chỉnh thiết kế phụ tùng để sử dụng chung với các hãng xe khác, từ đó giảm chi phí sản xuất. Phương châm "tiết kiệm đến từng yên" đã giúp Suzuki duy trì lợi nhuận ngay cả khi hãng tập trung vào phân khúc xe giá rẻ.
Dưới sự lãnh đạo của Osamu, Suzuki không chỉ vực dậy sau khủng hoảng mà còn hỗ trợ ngược lại Toyota. Các dòng xe của Suzuki như Ertiga, Baleno và Vitara đã được Toyota sử dụng để thâm nhập thị trường Ấn Độ với các tên gọi khác như Toyota Rumion, Starlet và Urban Cruiser.
Osamu Suzuki cũng được so sánh với Soichiro Honda, nhà sáng lập hãng xe Honda. Cả hai đều là những nhà lãnh đạo táo bạo, thẳng thắn và đam mê đổi mới. Tuy nhiên, Osamu không tập trung vào cuộc đua công nghệ mà kiên định với hướng đi xe nhỏ giá rẻ, giúp Suzuki tạo dựng chỗ đứng riêng biệt.
Ông thường xuyên thăm các nhà máy và showroom để theo sát thực tế, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến từng sản phẩm của Suzuki. Chủ tịch Toyota, Akio Toyoda, từng bày tỏ sự kính trọng với Osamu Suzuki, gọi ông là "người cha của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản".
Osamu Suzuki nghỉ chức Chủ tịch vào năm 2021 nhưng vẫn giữ vai trò cố vấn cấp cao cho đến những ngày cuối đời. Sự ra đi của ông cũng đã khép lại một kỷ nguyên của những lãnh đạo huyền thoại, những người đặt nền móng giúp Nhật Bản trở thành quốc gia sản xuất ô tô hàng đầu thế giới.
Osamu Suzuki không chỉ để lại di sản to lớn cho Suzuki mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo, là thành biểu tượng không chỉ trong ngành công nghiệp ô tô mà còn trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản.