Phấn đấu giá trị sản xuất vụ Đông đạt 40.000 tỷ đồng
Vụ Đông 2023, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu ổn định diện tích khoảng 380.000 ha và sản lượng khoảng 5 triệu tấn. Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt trên 40.000 tỷ đồng, trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 110 triệu đồng/ha.
Ngày 8/9, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Tổng kết sản xuất vụ Đông năm 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2023 của các tỉnh, thành phố phía bắc.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, năm 2022, diện tích cây trồng vụ Đông đạt 373.000 ha, tăng khoảng 9.000 ha so với vụ Đông 2021. Trong đó, ngô các loại tăng hơn 11.000 ha; lạc tăng khoảng gần 2.000 ha. Năng suất cây vụ Đông 2022 nhìn chung đều tăng so với vụ Đông 2021. Nhờ đó, tổng sản lượng cây trồng vụ Đông 2022 đạt 4,702 triệu tấn, các cây trồng có sản lượng tăng là ngô, lạc và rau.
Đáng chú ý, tổng giá trị cây vụ Đông 2022 (tính theo giá hiện thời) đạt khoảng 36.794 tỷ đồng, cao hơn 1.950 tỷ đồng so với vụ Đông 2021. Giá trị sản xuất cây vụ Đông 2022 đạt 99 triệu đồng/ha, tăng 3,4 triệu đồng/ha so với vụ Đông 2021.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới giá trị thu nhập cây trồng vụ Đông 2022 cao hơn so với vụ Đông 2021 là do đã có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Các địa phương đã chú trọng tổ chức sản xuất gắn với sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có thị trường đầu ra tương đối ổn định từ đó tạo ra giá trị gia tăng.
Đặc biệt, các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất cây vụ Đông, đồng thời xây dựng những mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao.
Điển hình như mô hình sản xuất rau chế biến tập trung với diện tích 12 ha tại xã Ngọc Thiện và xã Cao Xá, huyện Tân Yên (Bắc Giang) liên kết cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho hiệu quả kinh tế đạt trên 190 triệu đồng/ha. Mô hình trồng ớt xuất khẩu tập trung tại huyện Yên Định, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) thu nhập 200-230 triệu đồng/ha...
Trên cơ sở những kết quả đạt được, vụ Đông 2023, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu ổn định diện tích khoảng 380.000 ha và sản lượng khoảng 5 triệu tấn. Trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, liên kết sản xuất theo chuỗi, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân. Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt trên 40.000 tỷ đồng, trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 110 triệu đồng/ha.
Để đạt được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Như Cường, cơ cấu nhóm cây ưa ấm (ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, rau ưa ấm) chiếm tỉ lệ khoảng 50% tổng diện tích cây vụ Đông; nhóm cây ưa lạnh (khoai tây, rau đậu ưa lạnh) khoảng 50% tổng diện tích.
Thời vụ gieo trồng vụ Đông 2023 được Cục Trồng trọt đưa ra là: Với nhóm cây ưa ấm, thời vụ gieo trồng kết thúc trước 10/10; với nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 15/10, riêng với khoai tây tập trung trồng từ 25/10 đến 15/11. Trồng rải vụ đối với nhóm rau để bảo đảm nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa, giá thấp hoặc thiếu rau đẩy giá lên cao.
Cục trưởng Cục trồng trọt đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo đón thời cơ về thị trường, tăng tối đa diện tích nếu có thể, đặc biệt các tỉnh, thành phố có nhiều tiềm năng lợi thế như Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa,...
Theo ông Cường: "Các địa phương miền Bắc cần ưu tiên mở rộng diện tích nhóm cây có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: Dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, khoai tây chế biến, cây dược liệu, các loại nấm ăn, nấm dược liệu...".
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh trong chiến lược phát triển trồng trọt, xác định vụ Đông là vụ sản xuất chính. Do đó, các ngành, địa phương và người dân tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh sản xuất cây vụ Đông bài bản, hiệu quả hơn.
Để vụ Đông năm 2023 thắng lợi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung đề nghị các địa phương cần sớm chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách mới, phù hợp điều kiện cụ thể để hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển cây vụ Đông.
Trong đó, ưu tiên hỗ trợ xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ những vùng có diện tích cây vụ Đông lớn.
Sở NN&PTNT các địa phương cần tổ chức sản xuất theo "cánh đồng lớn", dồn điền, đổi thửa, khuyến khích cho thuê đất, mượn đất để hình thành những vùng sản xuất vụ Đông tập trung, quy mô lớn; xây dựng, phổ biến và nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật mới, cho hiệu quả kinh tế cao, các mô hình canh tác tiết kiệm, giảm vật tư đầu vào.
Chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất ngay từ vụ Mùa bảo đảm diện tích cây trồng vụ Đông ưa ấm, tuyên truyền trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt, sản xuất cây vụ Đông theo chuỗi giá trị.
Thứ trưởng Hoàng Trung cũng đưa ra các yêu cầu cụ thể với các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT về việc chỉ đạo các địa phương thu hoạch lúa vụ Hè Thu, Mùa sớm, kịp thời để tạo quỹ đất cho cây vụ Đông; hướng dẫn và kiểm tra thời vụ gieo trồng, đôn đốc việc tổ chức kiểm tra chất lượng giống vật tư sản xuất, ngăn chặn kịp thời hiện tượng kinh doanh giống các loại vật tư nông nghiệp khác kém chất lượng. Phối hợp với các địa phương, đặc biệt với các tỉnh trọng điểm rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông theo phướng án tăng diện tích.
Cục Thuỷ lợi chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo công tác tưới tiêu cây vụ Đông theo vùng, khu vực; đặc biệt việc tiêu úng kịp thời cho cây vụ Đông khi mưa bão xảy ra.
Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi phát hiện những đối tượng sâu, bệnh hại mới để có biện pháp xử lý kịp thời những điểm phát sinh dịch hại, áp dụng IPM, IPHM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng trong sản xuất cây vụ Đông, hướng dẫn sử dụng phân bón, chăm sóc cây trồng để đạt hiệu quả cao.
Tăng cường thanh kiểm tra phân, thuốc bảo vệ thực vật, kiên quyết đình chỉ lưu thông, tịch thu và buộc tiêu hủy theo quy định đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật giả, không rõ nguồn gốc, thuốc không có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam…
Giá tăng vùn vụt, Việt Nam bán 242 nghìn tấn ‘vàng đen’, thu gần 1,3 tỷ USD 
Loại cá Việt Nam là số 1 toàn thế giới, Trung Quốc 'mạnh tay' chi nghìn tỷ để mua