Pháp: Công nhân đình công, hơn 1/4 trạm xăng không còn xăng để bán

16-10-2022 20:48|Nguyễn Quỳnh

Hơn 1/4 trạm xăng dầu ở Pháp đang gặp khó khăn về nguồn cung khi các cuộc đình công tại nhà máy của các hãng xăng dầu đã kéo dài.

Người dân không thể đổ xăng

Dẫn nguồn từ CNN, Bộ trưởng Chuyển đổi Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher cho biết 28,5% - tương đương hơn 1/4 - các trạm xăng ở Pháp không còn nhiên liệu để bán.

Tại khu vực Ile de France của Paris, con số này là 25,5% vào ngày 14/10, giảm từ 31,7% ngày 13/10. Một nguồn tin từ văn phòng thủ tướng Pháp cho biết hàng dài mua xăng và lượng xăng dự trữ cạn kiệt tại các trạm xăng của Pháp trong tuần này là do tình trạng mua hoảng loạn, không phải vì vấn đề nguồn cung.

Nguồn tin này cho biết, tình trạng này xảy ra bất chấp việc các công ty xăng cung cấp lượng xăng cao hơn 30% đến 50% so với bình thường.

Trong tuần này, nhu cầu tại các trạm xăng đã cao hơn bình thường ít nhất 20%. Được biết, sau khi các đợt đình công kết thúc, sẽ mất từ 1 đến 2 tuần để sản lượng của các nhà máy lọc dầu và tình hình hậu cần ở Pháp trở lại bình thường.

Đầu tuần này, chính phủ Pháp đã yêu cầu nhân viên tại một nhà máy lọc dầu Exxon Mobil ở Normandy trở lại làm việc, một động thái bất thường.

Trong khi đó, vào ngày 14/10, tập đoàn năng lượng khổng lồ TotalEnergies của Pháp đã ký một thỏa thuận với hai tổ chức công đoàn của Pháp, CFE-CGC và CFDT, để tăng lương cho năm 2023.

Tuy nhiên, các đợt đình công vẫn tiếp diễn tại 4 trong số 7 nhà máy lọc dầu ở Pháp. Tất cả bốn cơ quan này đều do TotalEnergies điều hành.

Đàm phán tăng lương

Công nhân ngành năng lượng Pháp đình công để yêu cầu tăng lương bù cho chi phí sinh hoạt tăng cao do lạm phát trong bối cảnh các công ty năng lượng thu được nhiều lợi nhuận.

Được biết, trong quý 2/2022, lợi nhuận của TotalEnergies đạt mức kỷ lục là 5,7 tỉ USD so với 2,2 triệu USD cùng kỳ năm 2021, theo Reuters.

Theo các điều khoản của thỏa thuận ký kết với hai công đoàn khác, TotalEnergies sẽ tăng lương 7% cho nhân viên trong năm 2023, công ty cho biết trong một thông cáo báo chí. Thỏa thuận bao gồm việc tăng lương cho tất cả nhân viên cũng như một khoản tiền thưởng tương đương với một tháng lương.

Tuy nhiên, Liên đoàn CGT - một trong những liên đoàn lớn nhất của Pháp - đã từ chối chấp nhận đề nghị của TotalEnergies. CGT đã yêu cầu tăng lương 10% cho công nhân.

Công đoàn CGT tuyên bố sẽ tiếp tục đình công sau khi tiến hành các cuộc họp và tiếp tục kêu gọi công nhân trong các lĩnh vực khác tham gia cuộc đình công lớn hơn vào ngày 18/10.

Chính phủ Pháp từ ngày 12/10 đã tìm cách kiểm soát cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng khiến hơn 1/4 số trạm xăng ở nước này không có nhiên liệu, khi các công nhân tại hai công ty dầu mỏ khổng lồ TotalEnergies và Exxon Mobil kéo dài một cuộc đình công hàng tuần tại các nhà máy lọc dầu của Pháp để đòi tăng lương giữa bối cảnh lạm phát gia tăng.

Tình trạng thiếu hụt đã gây ra cảnh ùn tắc giao thông tại các trạm xăng - gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 - khiến tình hình trở nên khó khăn đối với các tài xế, công ty giao hàng, xe cứu thương, công ty vận tải đường bộ và taxi.

Tình trạng xếp hàng dài tại các trạm xăng khiến người dân bất bình. Những người sống gần các trạm xăng không thể ngủ yên giấc vì mọi người xếp hàng chờ xăng tới 1-2h sáng. Đến 4h, lại có những người khác đến xếp hàng đổ xăng.

Theo tờ Local France, Pháp hiện không thiếu nhiên liệu trong nước. Vấn đề chỉ nằm ở việc hoạt động giao hàng từ các nhà máy lọc dầu đến trạm xăng bị đình trệ do nhân viên đình công.

Đức 'lấy điện đổi khí đốt' với Pháp

Hơn 120.000 công nhân Volkswagen đình công, đe dọa tương lai của ‘gã khổng lồ’ ô tô Đức

Chưa từng có trong lịch sử: 50.000 công nhân đình công khiến vận tải biển tại siêu cường tê liệt, đòi tăng lương thành công

Bài thuộc chủ đề Dầu khí, Năng lượng
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/phap-cong-nhan-dinh-cong-hon-14-tram-xang-khong-con-xang-de-ban-153688.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Pháp: Công nhân đình công, hơn 1/4 trạm xăng không còn xăng để bán
    POWERED BY ONECMS & INTECH