Phát hiện bí mật về nhiều bộ xương trong lăng mộ chứa 8.000 tượng chiến binh và ngựa đất nung sau 50 năm, làm 'rung chuyển' giới khảo cổ
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng tiếp tục hé lộ những bí mật gây chấn động giới khảo cổ.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng , hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, từ lâu đã trở thành một trong những kỳ quan khảo cổ bí ẩn  nhất thế giới. Nằm ở phía bắc núi Ly Sơn, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, lăng mộ này được xây dựng trong suốt 38 năm (246-208 TCN) và chứa đựng nhiều điều chưa được giải mã. Kể từ khi được phát hiện vào năm 1974, lăng mộ  đã hé lộ một thế giới kỳ bí với hơn 8.000 tượng chiến binh và ngựa đất nung, nhưng phần lớn cấu trúc vẫn chưa được khai quật.
Năm 2022, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cambridge University Press đã làm sáng tỏ thêm những bí mật gây chấn động về các bộ xương thật chôn cùng Tần Thủy Hoàng, mở ra một chương mới trong nghiên cứu về lăng mộ huyền thoại này.
(TyGiaMoi.com) - Tiết lộ về những bộ xương bí ẩn trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, lăng mộ Tần Thủy Hoàng nổi tiếng với đội quân đất nung, biểu tượng cho sức mạnh quân sự của thời kỳ Tần. Các tượng chiến binh và ngựa đất nung được sắp xếp khoa học trong các hố lớn, tái hiện đội quân hùng mạnh của Tần Thủy Hoàng. Tuy nhiên, một phát hiện mới đây đã gây chấn động khi các nhà khảo cổ tìm thấy xương của những con ngựa thật trong một số khu mộ phụ. Những bộ xương này được đặt gần xương của những người bị tuẫn táng, làm dấy lên giả thuyết rằng Tần Thủy Hoàng đã chôn theo những con ngựa quý giá để chúng có thể đồng hành cùng ông trong thế giới bên kia.
Theo SCMP, các nhà nghiên cứu đã phân tích và phát hiện rằng những con ngựa này đều là ngựa đực, cao khoảng 1,4m và ở độ tuổi lý tưởng từ 8-10 tuổi khi qua đời. Điều này không chỉ cho thấy ngựa đóng vai trò quan trọng trong quân đội mà còn là một phần không thể thiếu trong các nghi lễ tang lễ của triều đại Tần. Để bảo vệ tốt nhất các bộ xương này, chúng được giữ nguyên tại chỗ để các nhà khảo cổ tiếp tục nghiên cứu mà không làm ảnh hưởng đến trạng thái ban đầu.
Ngựa đã luôn đóng vai trò then chốt trong lịch sử quân sự Trung Quốc, đặc biệt dưới thời nhà Tần. Tần Thủy Hoàng đã sử dụng sức mạnh quân sự và sự phát triển của ngựa chiến để thống nhất các tiểu quốc và thành lập đế chế đầu tiên vào năm 221 TCN. Việc phát hiện ra các bộ xương ngựa thật trong lăng mộ càng làm nổi bật vai trò quan trọng của loài vật này trong cả quân sự và văn hóa của triều đại Tần.
(TyGiaMoi.com) - Di sản thế giới được UNESCO công nhận
Theo China Daily, Lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1987. Ngày 15/7/1974, cuộc khai quật hố số 1 trong lăng mộ đã phát hiện hàng nghìn tượng chiến binh đất nung có kích thước tương đương người thật, trang bị vũ khí bằng đồng, tái hiện lại đội quân mạnh mẽ đã giúp Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa cách đây hơn 2.000 năm. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng từ đó thu hút sự chú ý không chỉ của Trung Quốc mà còn của cộng đồng quốc tế.
Nhân kỷ niệm 50 năm khai quật đội quân đất nung, Bảo tàng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng sẽ tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu những tiến bộ trong công tác khai quật, bảo tồn và nghiên cứu di tích văn hóa. Ông Lý Cương, giám đốc bảo tàng, chia sẻ rằng trong suốt 50 năm qua, đã có nhiều phát hiện quan trọng, bao gồm các hố chứa đội quân đất nung, xe ngựa đồng, tượng nhào lộn và các kiến trúc nghi lễ.
Để công chúng có thể hiểu rõ hơn về lăng mộ, bảo tàng có kế hoạch ra mắt một trạm kỹ thuật số rộng 1.600m2, sử dụng công nghệ hiện đại và thiết bị tương tác, cho phép du khách trải nghiệm cấu trúc của lăng mộ và nền văn hóa thời Tần một cách chân thực. Trạm này không chỉ là công cụ quan trọng trong việc bảo tồn di sản mà còn giúp đưa lăng mộ Tần Thủy Hoàng đến gần hơn với công chúng trong thời đại công nghệ số.
Vào tháng 9/2024, một hội thảo quốc tế được tổ chức tại Tây An, quy tụ các nhà khảo cổ, chuyên gia bảo tồn và di sản văn hóa hàng đầu. Hội thảo này là cơ hội để đánh giá những thành tựu trong 50 năm qua và đưa ra các định hướng cho công tác bảo tồn và khai thác di sản trong tương lai. Đồng thời, hội thảo cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn và nghiên cứu các giá trị văn hóa nổi bật này.