Phát hiện hang động 'kỳ quan dưới gầm núi' chỉ cách Hà Nội hơn 100km, đang được nghiên cứu để khai thác du lịch mạo hiểm
Nếu được khai thác một cách bài bản, đây sẽ là sản phẩm du lịch mạo hiểm hấp dẫn, thu hút khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài.
Hang Mỏ Gà là một hang động nổi tiếng, nằm trong khu danh thắng  hang Phượng Hoàng - Mỏ Gà, thuộc tỉnh Thái Nguyên . Hang tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, cách TP. Thái Nguyên 45km và cách Hà Nội hơn 100km. Hang rất gần với Quốc lộ 1B (Thái Nguyên - Lạng Sơn), tại vị trí sát ranh giới giữa hai tỉnh.
Hang Mỏ Gà được đặt tên theo dòng suối Mỏ Gà, dòng nước chảy ra từ lòng hang. Hang có chiều rộng khoảng 10-15m, cao từ 2-15m. Nước suối Mỏ Gà trong xanh, tạo thành một thác nước nhỏ cao khoảng 2m tại khu vực cửa hang.
Nước suối chủ yếu chỉ sâu đến đầu gối, nhưng có những vũng nước sâu, tạo thành những bể bơi tự nhiên. Du khách có thể leo lên vách hang cao 10m và nhảy xuống. Do suối chảy trong hang nên nếu muốn khám phá, du khách cần chuẩn bị đèn pin và các thiết bị thám hiểm  chuyên dụng.
Suối Mỏ Gà có nhiều thác ghềnh dài khoảng 10-15m, dòng nước chảy qua những ghềnh thác này như những dải lụa mềm mại. Trên các vách đá của hang, có khắc dòng chữ: "Nước suối Mỏ Gà là sinh khí của trời đất, đằm trong hương bí ẩn của sâm rừng, hoa núi. Người sẽ được tốt tươi viên mãn".
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã hai lần mời nhóm chuyên gia hang động người Anh và đơn vị chuyên về du lịch mạo hiểm  Oxalis Adventure tiến hành khảo sát chuyên sâu hang Mỏ Gà. Qua khảo sát với các công cụ, thiết bị chuyên dụng, nhiều điều thú vị đã được phát hiện.
Theo các chuyên gia, từ cửa hang vào sâu khoảng 1.800m có một nhánh phụ hướng lên Lạng Sơn và nhiều nhánh nhỏ trong lòng núi. Trong hang chính, có những đoạn thắt lại, dẫn vào các khu vực rộng lớn với vòm đá cao và nhiều nhũ đá tuyệt đẹp.
Có đoạn hẹp chỉ khoảng 2m, nhưng sau đó hang mở rộng với trần hang cao, hồ nước trong xanh, thác nước nhỏ và các thạch nhũ có hình thù đa dạng như măng đá, trụ đá, san hô động… rất thích hợp để chụp ảnh.
Vào sâu hơn, hang chia ra hai nhánh chính, mỗi nhánh lại có những nhánh phụ. Các nhánh phụ này rất đa dạng, có nơi là bãi cát rộng với các trụ đá cao và đẹp.
Nhánh bên trái hướng về Lạng Sơn chưa được đo đạc hoàn toàn, nhưng nhóm chuyên gia nhận định đây có thể là nhánh dẫn đến cửa sau. Nhánh này khá dài, đẹp và có luồng gió mát, có thể do gió từ cửa sau thổi vào.
Hiện nay, hang Mỏ Gà về cơ bản vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, ít bị tác động bởi con người. Các thạch nhũ, đá và các loài cá trong hang chưa bị xâm hại, tạo nên sức hấp dẫn lớn đối với du khách và có tiềm năng để phát triển du lịch mạo hiểm.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch khảo sát chuyên sâu nhánh hướng về Lạng Sơn trong thời gian tới. Sau các đợt khảo sát, nhóm chuyên gia sẽ tiến hành lập bản đồ hang động Mỏ Gà và hoàn thiện các dữ liệu thu thập được.
Khi đến khu vực này, bên cạnh khám phá hang Mỏ Gà, du khách còn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của hang Phượng Hoàng, nằm cách đó khoảng 100m. Hang Phượng Hoàng được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt.
Từ cửa hang, du khách có thể bao quát toàn cảnh vùng đất rộng lớn xung quanh. Hai vòm cửa hang rộng và cao hàng chục mét, ánh sáng từ hai cửa chiếu vào làm khung cảnh thêm lung linh, huyền ảo. Hang có chu vi 380m, từ trần hang đến đáy hang khoảng 70m, đáy hang có mỏ nước lạnh trong vắt. Hang gồm ba tầng: tầng thượng là hang Dơi, tầng giữa gọi là hang Sáng và tầng cuối là hang Tối.
Hang Sáng rộng và thoáng, ánh sáng từ cả ba cửa hang chiếu vào làm những nhũ đá và thạch nhũ trong hang trở nên lung linh, huyền ảo. Các nhũ đá trong hang có hình thù kỳ lạ, khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh như hổ, báo, voi, cây bút hay người vũ nữ… Vòm hang cách đáy khoảng 30-40m. Đứng trước những nhũ đá muôn hình vạn trạng, du khách có thể thỏa sức tưởng tượng. Tất cả đều vô cùng hấp dẫn và kỳ thú.
Hang Phượng Hoàng đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Tại khu du lịch, ngoài việc ngắm cảnh, du khách còn có thể thưởng thức các món ăn đặc trưng của các dân tộc bản địa.