Phát hiện hệ sinh thái dưới đáy vực sâu nhất Trái đất, nơi có áp suất tương đương với 48 máy bay phản lực
Dù sống trong điều kiện môi trường khắc nghiệt ở rãnh đại dương sâu nhất thế giới, nhưng những sinh vật này vẫn phát triển tốt.
Rãnh Mariana nằm trên phần đáy khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương là địa điểm sâu nhất trên đại dương  với những điều bí ẩn về đa dạng sinh học. Rãnh đại dương sâu nhất thế giới này có chiều dài trung bình 2.550 km, rộng khoảng 69 km và là ranh giới của 2 mảng kiến tạo, mảng Thái Bình Dương bị lún xuống dưới mảng Phillipines tạo thành một vực sâu.
Rãnh Mariana cũng là nơi ánh sáng không thể chạm tới đáy. Đặc biệt, áp suất tại khu vực này tương đương với trọng lượng của 48 máy bay phản lực. Với môi trường khắc nghiệt như vậy, đã từng có nhiều câu hỏi đặt ra rằng liệu có tồn tại sự sống ở nơi đây hay không?
Ngày nay, với những tiến bộ khoa học rõ rệt, loài người đã biết về đại dương nhiều hơn và đều khẳng định rằng dưới đáy biển thực sự là một nơi có sự sống phát triển phong phú. Vào năm 2019, nhóm chuyên gia trên tàu thám hiểm thế hệ mới mang tên Khoa học đã sử dụng thiết bị thăm dò điều khiển từ xa Discovery để khám phá khu vực phía Nam vực Mariana.
Các nhà khoa học đã phát hiện nhiều mẫu sinh vật kỳ lạ, trong đó có 2 cá thể sinh vật thuộc giống sên biển được đặt tên là "thỏ biển" do 2 chiếc râu ăng ten trông giống tai thỏ của chúng. Trong hệ sinh thái mới được khám phá ở nơi sâu nhất Trái đất này, các nhà khoa học còn tìm thấy một rừng san hô khổng lồ quý hiếm với rất nhiều loài tôm cá vô cùng đặc biệt đang cư ngụ.
Trước đó, vào hồi cuối năm 2014, Jeffrey Drazen tại Đại học Hawaii ở Honolulu đã dẫn đầu một cuộc thám hiểm đến khe vực Mariana. Cuộc hành trình này đã khiến cho Drazen hết sức ngạc nhiên khi thấy sự đa dạng sinh học của khe vực này.
Do môi trường ở đáy vực là một bóng tối hoàn toàn, chính vì vậy, các loài sinh vật nơi đây đã tiến hóa một cách kì lạ để phù hợp với môi trường sống. Ánh sáng không thể chạm tới Rãnh Mariana biến nó thành một khu vực tối đen như mực cho nên tất cả các sinh vật sống ở dưới này đều bị mù và chúng có làn da trong suốt nhìn thấy được cả nội tạng.
Một số loài có đôi mắt khổng lồ để dễ bắt được ánh sáng. Một số khác không có chức năng của thị giác nhưng lại mạnh về xúc giác để cảm nhận con mồi. Thậm chí còn có những loài có khả năng tự phát sáng để thu hút con mồi khác tự tìm đến.
Không có ánh sáng mặt trời cũng khiến cho các loại tảo hoặc cây cỏ không thể phát triển, bởi vậy thức ăn dưới đây rất thiếu thốn. Nguồn thức ăn chủ yếu của các sinh vật chỉ là dựa vào xác phân hủy của các loài cá, tôm ở các tầng trên trôi xuống.
Đặc biệt, nhiệt độ nơi đây cũng hết sức khắc nghiệt khi chỉ dao động từ -1 cho đến 4 độ C. Đáng sợ hơn nữa khi áp suất lên đến 8 tấn mỗi inch, nhiều hơn mức sức ép bình thường ở trên mặt biển 1.000 lần. Sự kết hợp giữa môi trường lạnh giá và áp suất cũng tạo nên những tác động lạ lùng lên cơ thể các sinh vật.
Tất cả tế bào ở động vật đều được bao quanh bởi một lớp màng bằng chết béo. Lớp màng này ở dạng lỏng để truyền tín hiệu thần kinh và giúp cho quá trình trao đổi chất từ trong ra ngoài.
Các nhà khoa học đều cho rằng sự sống của mọi sinh vật trên Trái đất  đều bắt nguồn từ sự phát triển và tiến hóa lâu dài từ các sự sống dưới đáy biển. Bởi vậy các sinh vật ở khe vực Mariana có thể sẽ giúp được các nhà khoa học tìm về cội nguồn sự ra đời của loài người.