Phát hiện kho báu ‘độc nhất vô nhị’ khi đào 'thủy mộ' 2.500 năm: Hàng loạt cổ vật xác lập kỷ lục, công nghệ cao không thể sao chép
Tại một “thủy mộ” có niên đại khoảng 2.500 năm, các nhà khảo cổ đã phát hiện vô số cổ vật tinh xảo mà công nghệ hiện đại không thể sao chép được.
(TyGiaMoi.com) - Khai quật “thủy mộ” cổ đại, phát hiện nhiều bí ẩn gây chấn động
Cuối những năm 1970, tại thành cổ Tùy Châu, tỉnh Hồ Bắc - nơi được cho là quê hương của vua Viêm Đế Thần Nông - quân đội Trung Quốc trong quá trình xây dựng đã vô tình phát hiện  một ngôi mộ cổ. Lăng mộ  nằm sâu dưới lòng đất, nổi bật với màu sắc và cấu trúc đất khác biệt. Các chuyên gia khảo cổ  lập tức được mời đến để tiến hành khai quật.
Đội khảo cổ đã phải vượt qua nhiều khó khăn, di chuyển gần 50 tảng đá lớn và xuyên qua lớp than bùn dày mới tiếp cận được khu mộ rộng 220m2 và sâu 13m, luôn ngập trong nước. Qua những dấu tích và hiện vật tìm thấy ban đầu, họ xác định đây là nơi an nghỉ của Tăng Hầu Ất (475 TCN - 433 TCN), một vị vua của Tăng quốc dưới triều đại nhà Chu thời kỳ Chiến Quốc.
Phát hiện lăng mộ Tăng Hầu Ất đã gây tiếng vang lớn trong giới khảo cổ và thu hút sự chú ý của công chúng. Bên trong khu mộ ngập nước này, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy vô số cổ vật quý hiếm với giá trị lịch sử to lớn và độc đáo đến mức công nghệ ngày nay không thể sao chép.
Dù thông tin về Tăng Hầu Ất còn ít, lăng mộ và các cổ vật này đã giúp làm sáng tỏ phần nào về cuộc sống, văn hóa và nghệ thuật của thời kỳ Chiến Quốc, làm nổi bật Vương quốc Tăng trên bản đồ lịch sử.
Cỗ quan tài 7 tấn nặng nhất thế giới, có 21 mỹ nhân vây quanh
Khi hoàn tất hút nước từ lăng mộ, đội khảo cổ bắt đầu dỡ bỏ hơn 31 tấn than bùn phủ kín để lộ ra cỗ quan tài bằng gỗ nặng đến 7 tấn, lớn nhất thế giới tính đến nay. Quan tài được chạm khắc tinh xảo, vẫn nguyên vẹn dù trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Người nằm bên trong là Tăng Hầu Ất, một quý tộc sống xa hoa, mất khi mới 42 tuổi.
Bao quanh cỗ quan tài này là 21 quan tài nhỏ, chứa hài cốt của các phụ nữ trẻ từ 13 đến 24 tuổi, có thể là cung nữ hoặc vũ công xinh đẹp từng hầu hạ nhà vua lúc sinh thời và được tuẫn táng theo ông.
“Bảo vật mồ côi” - Kiệt tác đồng thau máy công nghệ cao không thể sao chép
Trong số các cổ vật tìm thấy, hơn 6.200 món làm từ đồng, trong đó nổi bật là đế trống đồng nặng 200kg, cao nửa mét. Được chạm khắc tinh xảo với hàng trăm tượng rồng sống động, đây là chiếc đế trống duy nhất còn lại mà giới nghệ nhân hiện đại phải ngả mũ kính phục vì không thể tái tạo.
Các tượng rồng lớn nhỏ đan xen chặt chẽ, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật không thể sao chép, xứng đáng là “bảo vật mồ côi” độc nhất vô nhị.
Một thành viên đội khảo cổ đã cho biết, các nghệ nhân cổ đại đã để lại một di sản phi thường mà công nghệ hiện đại không thể mô phỏng lại được.
Bộ chuông đồng 2,5 tấn - Cổ vật vĩ đại trong lịch sử khảo cổ
Trong kho tàng cổ vật của Tăng Hầu Ất, bộ chuông đồng là minh chứng cho tay nghề chế tác đồng đỉnh cao của nghệ nhân thời Chiến Quốc. Được đặt ở phía Tây của phòng giữa, bộ chuông này nặng hơn 2,5 tấn, gồm ba tầng chuông: Tầng trên với 19 chiếc chuông nhỏ, tầng giữa với 33 chiếc chuông trung bình và tầng dưới với 13 chuông lớn nặng đến 200kg. Tất cả được đỡ bởi các tượng chiến binh đồng, thể hiện kỹ thuật ghép mộng đỉnh cao của người xưa.
Điều đặc biệt là mỗi chiếc chuông này đều phát ra âm thanh độc đáo, âm sắc trầm bổng khó có thể sao chép hoàn toàn. Hoa văn tinh xảo và các dòng chữ khắc trên chuông là minh chứng cho tài năng nghệ thuật của các nghệ nhân, biến bộ chuông đồng Tăng Hầu Ất thành một di sản văn hóa vô giá, một biểu tượng của thời đại.
Không chỉ là nơi chứa đựng các cổ vật bằng đồng, lăng mộ Tăng Hầu Ất còn là một kho vũ khí với hơn 4.000 đầu mũi tên cùng các loại kiếm, giáo, kích, cung, làm nổi bật trình độ chế tác và chiến lược quân sự thời Chiến Quốc. Phát hiện này mở ra cánh cửa nghiên cứu sâu rộng về nghi lễ, vũ khí và nghệ thuật điêu khắc cổ xưa, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử khảo cổ và văn hóa Trung Quốc.
Giám đốc Hội Khảo cổ học tỉnh Hồ Bắc khẳng định, đây là kho báu lịch sử không thể đong đếm, một di sản vô giá trong nghiên cứu khảo cổ. Các cổ vật trong lăng mộ Tăng Hầu Ất đã giúp lưu giữ những giá trị nghệ thuật, kỹ thuật của quá khứ, là một minh chứng sống động cho sự phát triển và tài năng của nhân loại thời cổ đại.
*Tổng hợp