Phát hiện loại gỗ có ở Việt Nam được coi như 'ngôi sao xanh' thay thế bê tông, có khả năng bẻ cong tốt hơn gỗ thường 80%
Loại gỗ này có tính ứng dụng cao, là thành phần quan trọng trong nhiều công trình nổi tiếng.
Trong số các loại gỗ , Glulam (Glued Laminated Timber) được coi là một vật liệu đầy tiềm năng phát triển ở lĩnh vực xây dựng và kiến trúc. Gỗ Glulam được tạo ra bằng cách dán nhiều lớp gỗ mỏng lại với nhau dưới áp suất và nhiệt độ cao. Các lớp gỗ này thường được chọn lọc kỹ lưỡng, cùng loại, sắp xếp theo hướng vân gỗ khác nhau để tăng độ bền và giảm thiểu hiện tượng cong vênh. Chất kết dính sử dụng trong Glulam thường là nhựa phenol hoặc polyurethane, đảm bảo độ bền vững và khả năng chịu lực cao cho sản phẩm cuối cùng.
Glulam được kỳ vọng sẽ trở thành vật liệu thay thế bê tông trong tương lai và còn được coi là "ngôi sao xanh" trong các công trình xây dựng thân thiện với môi trường. Vật liệu này có nhiều đặc tính nổi bật khiến các kỹ sư và nhà nghiên cứu không thể bỏ qua. Một trong những ưu điểm của Glulam là khả năng chống ẩm và độ bền vượt trội. Các chuyên gia cũng đánh giá cao khả năng tái chế và tính chống cháy của loại gỗ này. Không giống như thép, khi tiếp xúc với nhiệt độ cao Glulam sẽ tự tạo ra một lớp bảo vệ giúp cấu trúc bên trong vẫn giữ được sự vững chắc, đảm bảo an toàn cho công trình.
Khả năng uốn cong vượt trội so với gỗ tự nhiên giúp Glulam trở thành vật liệu  lý tưởng cho những thiết kế kiến trúc độc đáo và phức tạp. Glulam có thể uốn cong tốt hơn 80% so với gỗ tự nhiên và với trọng lượng nhẹ hơn bê tông, nó vừa đảm bảo sức mạnh cấu trúc vừa mang lại sự linh hoạt trong thi công.
Nhờ phương pháp xử lý tiên tiến, Glulam còn giúp giảm thiểu khí thải trong quá trình thi công, đồng thời tiết kiệm thời gian xây dựng. Các cấu kiện Glulam được sản xuất sẵn và chỉ cần lắp đặt tại công trình, giúp tốc độ lắp đặt nhanh gấp 3 lần so với bê tông đúc tại chỗ.
Trên thế giới, nhiều kỹ sư đã tạo nên các công trình sử dụng Glulam. Tòa nhà Gaia trong khuôn viên Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) ở Singapore là một ví dụ điển hình. Kết cấu chính của tòa nhà là sự kết hợp hài hòa giữa hai loại gỗ kỹ thuật hiện đại CLT và Glulam. Tuy nhiên, để đảm bảo tính ổn định và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, một số bộ phận như cầu thang, nhà vệ sinh và nền nhà vẫn sử dụng bê tông. Đáng chú ý là thiết kế của tòa nhà Gaia giúp thải ít hơn 2.500 tấn CO2 mỗi năm so với nhiều công trình khác.
Tại Việt Nam, một số tập đoàn kiến trúc cũng đã bắt đầu đưa loại vật liệu này vào thiết kế, thi công. Tập đoàn Trần Đức đã tiên phong với dự án Sofia Cafe - một công trình sử dụng Glulam, mở ra tiềm năng phát triển cho vật liệu này trong tương lai.
Glulam là một vật liệu xây dựng hiện đại, bền vững và đa năng. Với những ưu điểm vượt trội, loại gỗ này ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng, góp phần tạo nên những không gian sống và làm việc đẹp, an toàn, thân thiện với môi trường.