Phát hiện loạt đường hầm và hành lang bí ẩn bên dưới thành phố cổ 4.500 năm
Những đường hầm này nằm ở độ sâu từ 1,52m đến 6,06m dưới mặt đất.
Theo thông tin trên Ancient Origins, các nhà khảo cổ  ở Trung Quốc đã phát hiện một mạng lưới đường hầm và hành lang bí mật bên dưới thành phố đá Houchengzui, gồm 6 lối đi chính được sử dụng như hệ thống giao thông ngầm.
Những đường hầm này nằm ở độ sâu khoảng từ 1,52m đến 6,06m dưới mặt đất. Độ cao trung bình của chúng dao động trong khoảng 0,91m đến 1,82m và chiều rộng khoảng 1,21m. Một số đường hầm còn chạy dài dưới tường thành, tạo ra lối đi nối với khu vực bên ngoài thành phố.
Bản đồ các đường hầm ẩn (Ảnh: Archaeology)
Phát hiện này được công bố bởi Viện Khảo cổ và Di sản Văn hóa Nội Mông, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), theo Ancient Origins đưa tin vào ngày 2/1.
Được biết, thành phố đá Houchengzui là một di chỉ khảo cổ nằm ở bờ Bắc sông Hun, thuộc huyện Thanh Thủy Hà, khu tự trị Nội Mông. Theo các cuộc khai quật trước đây, thành phố này được hình thành cách đây khoảng 4.300 đến 4.500 năm, thuộc thời kỳ văn hóa Long Sơn. Thành phố được phát hiện lần đầu vào năm 2005 và từ năm 2019, các nhà khảo cổ đã bắt đầu khai quật có hệ thống để làm rõ giá trị lịch sử của nó.
Trải rộng trên diện tích 138ha với hình bầu dục, Houchengzui bao gồm cả nội thành và ngoại thành, được gia cố bởi một hệ thống phòng thủ ba lớp kiên cố.
Di chỉ này trải rộng trên diện tích 138ha (Ảnh: Archaeology)
Những cuộc khai quật tại Houchengzui đã hé lộ ba cổng thành riêng biệt, góp phần khẳng định sự phức tạp và tinh tế trong quy hoạch của thành phố cổ. Cổng chính, ký hiệu CM1, nằm ở vị trí trung tâm của ngoại thành, có hình chữ nhật, thể hiện rõ sự sắp xếp có chủ đích và kỹ thuật thiết kế chính xác. Hai cổng phụ, CM2 và CM3, được bố trí để tăng cường khả năng kiểm soát ra vào và bảo vệ thành phố.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện một nghĩa trang nhỏ ở phía Tây Nam Houchengzui, bao gồm 8 ngôi mộ đá nằm trong các hố đất thẳng đứng hình chữ nhật. Những ngôi mộ này có kích thước dài từ 175cm đến 200cm, rộng từ 40cm đến 60cm và sâu từ 30cm đến 50cm. Các mộ đều hướng về phía Đông Nam và có nền bằng phẳng, với bốn vách tường được gia cố bằng dây treo, thể hiện kỹ thuật xây dựng độc đáo của thời kỳ đó.
Theo Chen Xingcan, giám đốc Viện Khảo cổ, các di chỉ như Houchengzui, có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu sự hình thành của xã hội phức tạp trong thời kỳ sơ khai.