Phát hiện mắc ung thư từ triệu chứng đau khi đánh răng
Triệu chứng này thường xuất hiện trong lúc đánh răng nhưng lại bị nhiều người bỏ qua.
Bạch cầu cấp (lơ xê mi cấp) là một nhóm bệnh máu ác tính, có đặc trưng là sự tăng sinh một loại tế bào non - ác tính, nguồn gốc tại tủy xương, chúng được chia thành 2 nhóm chính: bệnh bạch cầu cấp dòng tủy và bệnh bạch cầu cấp dòng lympho.
Trong đó, bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính hay còn gọi là ung thư bạch cầu tiến triển rất nhanh và mạnh mẽ. Riêng tại Anh, căn bệnh này thường cần điều trị ngay lập tức và gây ra hơn 2.700 ca tử vong mỗi năm, theo Mirror.
Các triệu chứng có xu hướng phát triển và bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn chỉ trong vài tuần. Trong số đó, một dấu hiệu cảnh báo dễ bị nhầm lẫn với một vấn đề răng miệng thông thường khác.
Theo tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh, ung thư  bạch cầu có thể khiến một người dễ bị bầm tím hoặc chảy máu - bao gồm cả chảy máu nướu khi đánh răng. Điều này thường xảy ra do giảm tiểu cầu, tức tình trạng thiếu hụt tiểu cầu trong máu, làm chậm quá trình đông máu sau chấn thương.
Tất nhiên, chảy máu nướu răng có thể xảy ra vì một loạt các vấn đề về răng miệng như đánh răng quá nhiều, mạnh, lạm dụng chỉ nha khoa hoặc thậm chí do đổi sang bàn chải đánh răng mới. Hiện tượng chảy máu cũng có thể do sự tích tụ mảng bám gây kích ứng và viêm nướu, dẫn đến bệnh nướu răng.
Nếu bạn bị chảy máu nướu khi đánh răng, hãy tới gặp nha sĩ. Bạn cũng nên đánh răng ít nhất hai phút, hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn giữa các kẽ răng nhằm giảm thiểu sự tích tụ mảng bám và bệnh nướu răng.
Một số triệu chứng phổ biến khác
Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng sau và lo ngại mình mắc ung thư bạch cầu, hãy đến gặp bác sĩ đa khoa.
Đốm đỏ
Nếu có những đốm đỏ hoặc tím trên da thì bạn hãy đến gặp bác sĩ để chẩn đoán, phòng trước còn hơn để muộn. Bởi hiện tượng này cũng có thể là hệ quả của việc sụt giảm số lượng tiểu cầu trong cơ thể.
Nhức đầu
Không phải cứ nhức đầu là ung thư máu mà cũng có thể do nhiều bệnh lý khác nhưng ở ung thư máu thường xuất hiện các cơn đau dữ dội, đi kèm với đó là hiện tượng đổ mồ hôi, da dẻ xanh xao. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự suy thoái lưu lượng máu đưa lên não khiến não không được cung cấp đủ oxy nên gây đau đầu.
Đau xương
Các cơn đau có thể xuất hiện tùy theo mức độ của bệnh và thường xuất hiện ở khớp xương chân, đầu gối, cánh tay, lưng… Nguồn gốc của những cơn đau này là từ tủy xương – nơi sản xuất ra các tế bào máu.
Sưng hạch bạch huyết
Các tế bào bạch huyết mất dần khả năng miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh bên ngoài Viêm hạch bạch huyết là một dạng viêm bạch cầu gây ra do vi khuẩn. Vì thế, sưng hạch bạch huyết thường nổi dưới da của bệnh nhân ung thư máu và không gây đau.
Xanh xao, mệt mỏi
Khi mắc ung thư máu, lượng hồng cầu có trong máu bị suy giảm đáng kể, hiện tượng này còn gọi dễ hiểu hơn là “thiếu máu”. Hồng cầu là tế bào máu có chức năng chính là hô hấp, chúng vận chuyển oxy đến tất cả các cơ quan, các mô. Thiếu máu khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, xanh xao bởi cơ thể không đáp ứng được nhu cầu trao đổi dưỡng khí.
Chảy máu cam
Chảy máu cam là hiện tượng khá thường gặp và nhiều người thường xem nhẹ hiện tượng bệnh lý này. Thông thường, chảy máu cam thường xảy ra ở mức độ nhẹ và dễ cầm máu ngay. Tuy nhiên, nếu gặp trường hợp lượng máu chảy nhiều, xảy ra liên tục trong nhiều ngày thì ngay lập tức bạn phải nhập viện và khám bệnh. Bởi rất có thể, bạn đã mang bệnh ung thư máu, bởi đây có thể là hệ quả của việc giảm số lượng tiểu cầu – tế bào có tác dụng cầm máu.
Sốt cao thường xuyên
Bệnh nhân mắc ung thư máu  thường suy giảm trầm trọng khả năng miễn dịch. Nguyên nhân là do các tế bào bạch cầu dần dần mất đi khả năng tiêu diệt vi khuẩn, vi rút từ bên ngoài nên việc bị các yếu tố bên ngoài thâm nhập vào cơ thể để gây bệnh là một triệu chứng thường thấy khi bị căn bệnh này. Hiện tượng suy giảm miễn dịch thường thể hiện qua những cơn sốt cao, những vết thương nhiễm trùng khó lành.
Đau bụng
Khi sự tiến triển của bệnh ung thư máu gia tăng ở gan và lá lách, nó có thể gây sưng tấy ở các bộ phận này. Chính vì thế, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau bụng, đầy hơi. Mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn và ói mửa thường là kết quả xuất phát từ gan và lá lách bị tổn thương. Đây là triệu chứng khi bệnh đã nặng bệnh đã vào giai đoạn khó khống chế.
Ung thư bạch cầu được điều trị như thế nào?
Theo Bệnh viện 108, đối với bệnh này, hóa trị  liệu là phương pháp điều trị chủ yếu. Quy trình điều trị lơ xê mi cấp dòng tủy thường phân thành hai giai đoạn lớn:
- Giai đoạn điều trị tấn công (để đạt lui bệnh hoàn toàn): Hóa trị phác đồ chuẩn “3 + 7”, người bệnh thường nhập viện điều trị nội trú từ 4 tuần trở lên để điều trị hỗ trợ bằng truyền chế phẩm máu, thuốc kháng sinh, kháng nấm, kháng virus. Ngoài ra dựa vào đột biến gen, tuổi, thể trạng, bệnh kèm theo còn có thêm một số lựa chọn điều trị khác.
- Giai đoạn điều trị sau lui bệnh hoàn toàn (để kéo dài đến mức tối đa thời gian lui bệnh hoàn toàn): Hóa trị, ghép tế bào gốc tạo máu tùy theo chỉ định.
Bạch cầu cấp dòng tủy thể tiền tủy bào có tiên lượng và điều trị khác với các loại khác. Với bệnh nhân chưa có gia đình, các bác sĩ lưu ý trước điều trị cân nhắc lưu trữ trứng ở nữ hoặc tinh trùng ở nam.