Phát hiện ngôi đền cổ hơn 2.000 năm tuổi nằm ẩn trong vách đá
Nhóm nghiên cứu kỳ vọng sẽ tìm được thêm nhiều thông tin khi quá trình khai quật và phân tích tiếp tục.
Các nhà khảo cổ học  đã phát hiện một ngôi đền  Ai Cập cổ đại được ẩn trong vách đá. Ngôi đền này có niên đại khoảng 2.100 năm và được tìm thấy tại khu vực Athribis, cách Luxor, Ai Cập khoảng 200km về phía Bắc theo Live Science.
Trong quá trình khai quật ngôi đền được xây bằng đá, nhóm nghiên cứu đã phát hiện những di tích chạm khắc mô tả Vua Ptolemy VIII (vị vua trị vì từ khoảng năm 170 đến 116 TCN) đang dâng lễ vật cúng tế cho nữ thần đầu sư tử Repit và con trai của bà, Kolanthes.
Nhóm nghiên cứu cũng đã phát hiện một phòng chứa các dụng cụ của đền thờ và sau đó là những chiếc amphorae – những bình đất nung có hai quai và cổ hẹp. Tại cửa vào của căn phòng, nhóm khảo cổ đã tìm thấy những chạm khắc mô tả nữ thần Repit và Min-Ra, trong đó có một bức chạm khắc cho thấy Min-Ra đang được hai chòm sao phụ (decans) theo sau - những ngôi sao giúp con người xác định thời gian vào ban đêm. Các chòm sao phụ này có thân hình người và đầu thú, trong đó một cái có đầu chim ưng và cái còn lại có đầu cò ibis. Leitz cho biết, những ngôi đền khác cũng thường khắc các chòm sao phụ bên cạnh các vị thần, dù thường thì có nhiều hơn hai chòm sao phụ đi cùng.
Nhóm nghiên cứu kỳ vọng sẽ tìm được thêm nhiều thông tin khi quá trình khai quật và phân tích tiếp tục. Athribis nằm gần thành phố Sohag hiện đại. Nhóm khảo cổ bắt đầu khai quật ngôi đền vào năm 2022 và khu vực này là một phần của đền thờ lớn mà các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật từ năm 2012.
Live Science đã liên hệ với các học giả không tham gia nghiên cứu để nghe ý kiến của họ. Sarah Symons và Juan Antonio Belmonte, hai nhà thiên văn học khảo cổ đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu tại Ai Cập đều cho rằng phát hiện này rất thú vị, nhưng cần thêm thông tin về ngôi đền và các chòm sao phụ (decans) để có cái nhìn đầy đủ hơn.