Thi công đường sắt phát hiện quần thể 200 mộ cổ: Chính quyền phong tỏa hiện trường, nhóm khảo cổ lập tức khai quật, tìm thấy hơn 1.000 cổ vật
Một quần thể mộ cổ quy mô lớn với hơn 200 ngôi mộ và hơn 1.000 cổ vật vừa được phát hiện tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Theo Global Times, quần thể mộ cổ  được xác định có niên đại từ thời Chiến Quốc (475 - 221 TCN) đến thời Đông Hán (25 - 220), nằm ở khu vực Tháp Hà, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Trong khi thi công tuyến đường sắt, các công nhân tình cờ phát hiện  những ngôi mộ này tại một quận phía tây Tháp Hà.
Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã phong tỏa hiện trường  và phối hợp với Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Hà Nam để tiến hành khai quật . Phát hiện đã cung cấp những dữ liệu quan trọng về lịch sử thời Chiến Quốc và thời Đông Hán.
Theo thông tin từ Thời báo Hoàn cầu, từ quần thể 200 ngôi mộ, các nhà khảo cổ đã thu thập hơn 1.000 cổ vật, bao gồm đồ đồng, đồ gốm, đồ sắt và nhiều hiện vật khác. Một trong những phát hiện nổi bật nhất là thanh kiếm đồng dài 48cm, rộng 4cm, dày 0,2cm, vẫn sắc bén sau hơn 2.000 năm. Thanh kiếm này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới nghiên cứu.
Ngoài ra, còn có nhiều hiện vật giá trị khác như ngọc bích tinh xảo thời Chiến Quốc, gương đồng, tiền xu và đồ gốm thời Đông Hán. Tuy một số đồ gốm từ thời Chiến Quốc bị vỡ do chất lượng đất sét và kỹ thuật nung thấp, chúng vẫn mang lại giá trị lớn trong việc nghiên cứu văn hóa và đời sống thời kỳ này.
Theo ông Liu Chen, nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Tháp Hà, quần thể mộ cổ này được sử dụng liên tục trong suốt 400 năm, từ thời Chiến Quốc đến thời Đông Hán. Từ đó, cho thấy khu vực Tháp Hà từng là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa quan trọng.
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Cui Xinzhan từ Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Hà Nam cho biết, các hiện vật thu thập được từ quần thể này không chỉ phong phú mà còn gợi mở nhiều khía cạnh chưa được khám phá về đời sống người dân thời kỳ đó.
Khu vực xung quanh quần thể mộ cổ từng ghi nhận nhiều phát hiện quan trọng, bao gồm tường thành thời Chiến Quốc, đường sá, nền móng công trình lớn, xưởng đúc tiền và sản xuất gốm từ thời nhà Hán. Các chuyên gia cho rằng quần thể mộ cổ này có mối liên hệ mật thiết với những di tích trên, góp phần vẽ nên một bức tranh toàn diện về lịch sử khu vực.