Phát hiện vi nhựa trong não người, có thể 'xâm nhập' từ đường khứu giác
Nhiều nhà khoa học lo ngại rằng đường khứu giác có thể là lối vào cho vi nhựa đến não.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện vi nhựa  trong hầu hết mọi bộ phận cơ thể, bao gồm cả mạch máu và xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, câu hỏi liệu vi nhựa có thể xâm nhập vào não người hay không vẫn là mối quan tâm lớn.
Một nghiên cứu mới đây đã tập trung vào hành khứu – phần của não chịu trách nhiệm xử lý thông tin về mùi. Con người có hai hành khứu nằm ở phía trên khoang mũi, được kết nối với dây thần kinh khứu giác. Theo báo cáo của NBC, một số nhà khoa học lo ngại rằng đường khứu giác có thể là lối vào cho vi nhựa đến não, vượt qua hành khứu.
Tiến sĩ Thais Mauad, Phó Giáo sư bệnh lý học tại Trường Y São Paulo, Brazil, cho biết: "Các nghiên cứu trước đây trên cả người và động vật đã chứng minh rằng ô nhiễm không khí có thể đi đến não và các hạt ô nhiễm được tìm thấy ở hành khứu. Đây là lý do chúng tôi cho rằng hành khứu có thể là một trong những con đường đầu tiên để vi nhựa xâm nhập vào não."
Mauad và cộng sự đã thu thập mẫu mô hành khứu từ 15 tử thi, có độ tuổi từ 33 đến 100. Kết quả cho thấy 8 trong số các mẫu này chứa vi nhựa với kích thước từ 5,5 đến 26,4 micromet. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện tổng cộng 16 sợi và hạt nhựa trong các mẫu mô, trong đó loại nhỏ nhất có đường kính mỏng hơn tế bào hồng cầu của con người (khoảng 8 micromet). Loại nhựa phổ biến nhất là polypropylene, theo sau là polyamide, nylon và polyethylene vinyl acetate. Mauad chia sẻ: "Propylene có mặt ở khắp nơi từ đồ gia dụng, thảm trải sàn, đến quần áo. Chúng ta tiếp xúc với vi nhựa chủ yếu trong nhà, vì không gian sống của chúng ta chứa đầy nhựa”.
Matthew Campen, chuyên gia về chất độc tại Đại học New Mexico, nhận định rằng sự hiện diện của vi nhựa trong hành khứu là điều đáng chú ý nhưng không quá bất ngờ. "Mũi là một lớp bảo vệ quan trọng, giúp ngăn cản hạt và bụi xâm nhập vào phổi. Do đó, việc phát hiện vi nhựa trong hệ thống khứu giác là điều có thể dự đoán được, đặc biệt khi chúng đã xuất hiện ở nhiều nơi khác trong cơ thể", ông giải thích.
Campen cũng cho rằng các hạt nhựa nano có khả năng xâm nhập vào não qua đường mạch máu cao hơn. Những hạt này thường được mạch máu hấp thụ từ phổi hoặc hệ tiêu hóa, thay vì qua hệ thống khứu giác. Tuy nhiên, Campen cũng lưu ý rằng việc các hạt xâm nhập vào não qua đường máu là rất khó khăn, ngay cả đối với các hạt trong dược phẩm, bởi não được bảo vệ bởi một lớp màng gọi là hàng rào máu não, có tính bán thấm và rất chặt chẽ.
Nghiên cứu về vi nhựa trong cơ thể con người vẫn còn khá mới mẻ. Hiện tại, hầu hết những hiểu biết của giới khoa học về các quá trình liên quan đến hơn 4.000 hóa chất được sử dụng để sản xuất và phân hủy nhựa chủ yếu dựa trên các thí nghiệm trên động vật. Một nghiên cứu gần đây cho thấy việc tiếp xúc với vi nhựa qua nước uống trong 3 tuần đã gây ra những thay đổi về nhận thức trong não của chuột.
>> Căn bệnh ở não có 3-5 triệu người Việt mắc nhưng ít ai biết