Phát lộ quần thể tâm linh cổ 35.000 năm tuổi ‘sâu’ trong hang đá: Tìm thấy hộp sọ người có niên đại 55.000 năm
Ngày 10/12/2024, các nhà khoa học đã phát hiện quan trọng về một khu vực thờ cúng lâu đời nhất trên thế giới, nằm trong hang Manot ở Israel, có niên đại ước tính khoảng 35.000 năm.
Theo thông tin từ Times of Israel, một phát hiện  khảo cổ gần đây đã mở ra bước tiến quan trọng trong nghiên cứu các nghi lễ tôn giáo cổ xưa , được các nhà khoa học gọi là "bước đột phá toàn cầu". Khu vực thờ cúng này được phát hiện trong một hang động  tại miền Bắc Israel, nơi chứa đựng một trong những bằng chứng sớm nhất về các nghi lễ thờ cúng cộng đồng.
Vào thời kỳ này, nền văn hóa Aurignacian đang trong giai đoạn phát triển, đánh dấu thời điểm quan trọng khi con người hiện đại bắt đầu định cư tại châu Âu. Đây cũng là thời kỳ nổi bật với những bức tranh hang động và sự xuất hiện của các vật dụng mang tính biểu tượng.
Khu vực thờ cúng nằm sâu trong phần tối của hang động, nơi có âm vang tự nhiên đặc biệt. Điều này tạo ra một không gian lý tưởng cho các hoạt động cộng đồng như cầu nguyện, ca hát và nhảy múa. Không chỉ vậy, khu vực này còn được bao quanh bởi các măng đá, tạo thành lối vào đầy ấn tượng. Chính giữa không gian thờ cúng, các nhà khoa học phát hiện một tảng đá có hình dáng giống như mai rùa, được xem là điểm nhấn quan trọng trong phát hiện này.
Một bài viết trên tạp chí PNAS mô tả khu vực này là một trong những quần thể thờ cúng cộng đồng cổ xưa nhất trên thế giới, đồng thời là địa điểm đầu tiên được phát hiện tại khu vực Levant cổ đại rộng lớn. Các nhà nghiên cứu cho biết công trình này phản ánh sự chuyển đổi từ các hoạt động tôn giáo cá nhân sang các nghi lễ có tổ chức, đồng thời cung cấp cái nhìn sâu sắc về đời sống tâm linh của những người săn bắn hái lượm trong thời kỳ đồ đá cũ. Đây là những người coi trọng vai trò của các nghi lễ và biểu tượng trong việc củng cố sự gắn kết xã hội.
Tiến sĩ Omry Barzilai, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, nhận định rằng tảng đá này có thể là một đối tượng thờ cúng quan trọng, có thể đại diện cho một vật tổ hoặc nhân vật thần thoại nào đó. Vị trí của tảng đá, nằm sâu và tối nhất trong hang, cũng rất phù hợp với quan niệm của các bộ lạc tiền sử, khi bóng tối thường mang ý nghĩa thiêng liêng, tượng trưng cho sự tái sinh và đổi mới.
Xung quanh tảng đá, các nhà nghiên cứu phát hiện dấu vết của tro tàn, chứng tỏ người tiền sử đã sử dụng lửa hoặc đuốc để chiếu sáng khu vực nơi diễn ra các nghi lễ.
Giáo sư Israel Hershkovitz cho biết các nghi lễ thờ cúng này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành bản sắc tập thể và sự chuyển mình từ các nhóm săn bắn hái lượm nhỏ lẻ thành các xã hội phức tạp hơn.
Ngoài tảng đá mai rùa, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khu vực thờ cúng này được bao quanh bởi các nhũ đá, trong đó có một nhũ đá được chạm khắc hình dạng mai rùa. Đây có thể là một bảo vật mang ý nghĩa tượng trưng cho sự tái sinh và đổi mới. Các dấu vết của tro tàn cũng cho thấy rằng người xưa đã sử dụng lửa để thắp sáng khu vực, trong khi âm thanh tự nhiên trong hang phản ánh đây là nơi lý tưởng cho các hoạt động cộng đồng.
Hang Manot được phát hiện vào năm 2008, nằm ở phía tây Galilee, Israel, là một trong những hang động chứa đựng nhiều dấu tích sinh hoạt của con người từ nhiều nền văn hóa tiền sử khác nhau. Trước đây, tại hang động này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một hộp sọ người có niên đại 55.000 năm - một trong những bằng chứng khảo cổ quan trọng về hài cốt người hiện đại bên ngoài châu Phi, cùng với bộ sưu tập răng người có niên đại 40.000 năm.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn phát hiện nhiều công cụ bằng đá lửa và vỏ sò gần đó, đặc trưng cho nền văn hóa Aurignacian, cùng với một chiếc gạc hươu có thể có liên quan đến các nghi lễ trong hang động.